Động cơ lan truyền thông tin sáp nhập tỉnh, thành sai sự thật?

Người đưa thông tin về việc sắp nhập các đơn vị hành chính ở địa phương sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về sáp nhập tỉnh thành, Bộ Nội vụ khẳng định "thông tin trên không đúng". Đến thời điểm này, Bộ chưa đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào. Bộ Nội vụ đã đề nghị cơ quan an ninh mạng xem xét, xử lý việc đưa thông tin không đúng, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.

PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp xung quanh vấn đề trên.
Dong co lan truyen thong tin sap nhap tinh, thanh sai su that?
Ảnh minh họa
Động cơ cố tình phát tán thông tin sai sự thật
Đại diện Bộ Nội vụ đã khẳng định thông tin lan truyền trên mạng xã hội về sáp nhập tỉnh thành là không đúng, theo luật sư, tác động của những thông tin sai sự thật này thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Việc đại diện Bộ Nội vụ lên tiếng bác bỏ thông tin về việc sắp xếp địa giới hành chính các tỉnh, thành cho thấy, những thông tin giật gân về sáp nhập tỉnh, thành đăng tải trên mạng là thông tin vô căn cứ, bịa đặt, sai sự thật.
Những thông tin sai sự thật này có thể gây hoang mang cho nhiều người, tác động tiêu cực đến tâm lý, đến vấn đề lao động, việc làm, cư trú của công dân. Đến nay, cơ quan chức năng đã xác định thông tin này là giả mạo, Trung ương chưa có bất kỳ chủ trương, phương án nào về sáp nhập các tỉnh thành như thông tin ở trên mạng xã hội.
Do đó, người đưa thông tin về việc sắp nhập các đơn vị hành chính ở địa phương sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất của sự việc và hậu quả xảy ra.
Luật sư có thể nói rõ hơn việc xử lý đối với những hành vi lan truyền thông tin sai sự thật về sáp nhập tỉnh, thành?
Luật sư Đặng Văn Cường: Cơ quan chức năng đã vào cuộc và sẽ sớm xác minh làm rõ nguồn gốc thông tin này và những người cố tình đưa tin sai sự thật để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, người đưa tin sai sự thật ít nhất cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Những người nhận thức là thông tin sai sự thật, nhưng vẫn chia sẻ thông tin này cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt cao nhất có thể tới 10.000.000 đồng.
Ngoài bị xử phạt, người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin, cải chính công khai, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đưa thông tin sai sự thật với động cơ chính trị hoặc hậu quả của hành vi đã ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức cá nhân thì người thực hiện hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo điều 331 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ điểm khởi phát nguồn tin này từ đâu qua việc truy tìm các dấu vết trên không gian mạng, sẽ làm rõ người nào làm ra phát tán và động cơ là gì. Đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua vụ việc trên, cho thấy các thông tin trên mạng xã hội là thông tin một chiều chưa được kiểm chứng nên rất dễ là tin giả, xấu độc, người dân cần cảnh giác để tránh vi phạm pháp luật khi lan truyền những thông tin không đúng sự thật?
Luật sư Đặng Văn Cường: Vụ việc trên một lần nữa cho thấy, người dân không nên vội vàng tin theo những thông tin một chiều trên mạng xã hội. Việc quyết định những vấn đề lớn liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước ở địa phương, quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, lãnh thổ quốc gia, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân đều phải lấy ý kiến của người dân, phải có điều tra khảo sát đánh giá tình hình, trên cơ sở luận chứng khoa học và thực hiện quy chế dân chủ thì mới quyết định theo thẩm quyền, theo trình thủ tục.
Trước những thông tin mới, chưa được kiểm chứng cần phải tìm kiếm những thông tin khác để xác nhận, chỉ khi nào các cơ quan truyền thông chính thống của Nhà nước đăng tin, khi đó mới có thể tin tưởng.
Khi quyết định các vấn đề liên quan đến đầu tư, cư trú, lao động việc làm do thay đổi của chính sách pháp luật thì cần phải thận trọng để tránh mắc bẫy tin giả, ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống, việc làm, gây ra những thiệt hại không đáng có. Người đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật nên không gian mạng phải chịu trách nhiệm pháp lý, phải trả giá cho những việc làm sai trái của mình.
Dong co lan truyen thong tin sap nhap tinh, thanh sai su that?-Hinh-2

Thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội.

Việc chia tách, sáp nhập tỉnh, thành không đơn giản
Luật sư có thể chia sẻ thêm về trình tự thủ tục luật định đối với việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính ở địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương?
Luật sư Đặng Văn Cường: Thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, cơ cấu lại chính quyền địa phương, đơn vị hành chính lãnh thổ theo hướng tinh gọn, khoa học, hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy, đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước là chuyện có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại, sáp nhập, chia tách thì phải có đánh giá khảo sát và theo trình tự thủ tục pháp luật.
Việt Nam hiện có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương; 705 huyện; 10.595 xã. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tỉnh phải đảm bảo 3 tiêu chí gồm quy mô dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp huyện.
Cụ thể, tỉnh miền núi, vùng cao phải có dân số từ 900.000, diện tích 8.000 km2; tỉnh ở những nơi khác dân số 1,4 triệu, diện tích 5.000 km2. Đồng thời, tỉnh phải có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó ít nhất một thành phố hoặc một thị xã. Đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng có tiêu chuẩn về dân số và diện tích.
Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật số 77/2015/QH13 được Quốc Hội thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực từ năm 2016 quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.
Theo đó, các đơn vị hành chính của Việt Nam gồm có: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Trong đó Chương VII của luật này quy định về thành lập, giải thể, chia tách các đơn vị hành chính. Điều 128. Quy định về nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính như sau: Đơn vị hành chính được tổ chức ổn định trên cơ sở các đơn vị hành chính hiện có. Khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính, cùng cấp.
Dong co lan truyen thong tin sap nhap tinh, thanh sai su that?-Hinh-3
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp cần thiết và phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương; Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân; Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 của Luật này phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.
Việc giải thể đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp sau đây: Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương hoặc của quốc gia; Do thay đổi các yếu tố địa lý, địa hình tác động đến sự tồn tại của đơn vị hành chính đó. Chính phủ trình Ủy ban thường vụ, Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.
Luật cũng quy định Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới. Bộ Nội vụ tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội. UBND tỉnh xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc báo cáo Chính phủ.
Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến của Nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và thực hiện các công việc sau đây: Quyết định thời gian lấy ý kiến, mẫu phiếu lấy ý kiến và các tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra UBND các cấp trong việc lấy ý kiến cử tri; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung lấy ý kiến; Bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri; Công khai kết quả lấy ý kiến cử tri trên trang thông tin điện tử của Chính phủ.
UBND cấp tỉnh có liên quan có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây: Tổ chức việc lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh; Phân bổ kinh phí và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn; Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp dưới trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri; Tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh.
UBND cấp huyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây: Hướng dẫn, kiểm tra UBND cấp xã trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri; Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung lấy ý kiến trên địa bàn; Tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.
UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây: Lập danh sách cử tri trên địa bàn tại thời điểm tổ chức lấy ý kiến; Quyết định việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri tại xã, phường, thị trấn phù hợp với đặc điểm khu dân cư trên địa bàn; Tổ chức lấy ý kiến cử tri theo từng thôn, tổ dân phố; Tổng hợp biên bản họp, phiếu lấy ý kiến của cử tri; lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.
Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri phải thể hiện tổng số cử tri trên địa bàn, số cử tri tham gia lấy ý kiến, số cử tri đồng ý, số cử tri không đồng ý, các ý kiến khác. Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp huyện, cấp xã được gửi đến Hội đồng nhân dân cùng cấp và UBND cấp trên; báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp tỉnh được gửi đến Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy có thể thấy rằng việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính ở địa phương theo luật tổ chức chính quyền địa phương không đơn giản, cần phải nghiên cứu khảo sát đánh giá trên cơ sở tình hình kinh tế chính trị xã hội, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và trình độ của cán bộ trong công tác quản lý. Việc chia tách, sáp nhập phải lấy ý kiến của cử tri, theo trình tự thủ tục luật định.
Xin cảm ơn luật sư Đặng Văn Cường về cuộc trao đổi trên!