2024 dự báo nắng nóng kỷ lục hơn những năm trước?

Tổng kết diễn biến thời tiết năm 2023, có thể thấy, rất nhiều điểm dị thường như không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền nước ta, ghi nhận thời tiết nắng nóng kỷ lục trong lịch sử.

Năm 2024 nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, El Nino là thuật ngữ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm một lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trên cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường, nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn, khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.

Trong ba tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%. Do tác động của El Nino, trên Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới. Hoạt động của không khí lạnh có thể yếu hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, đặc biệt trong tháng 1-2/2024, gây rét đậm, rét hại diện rộng và băng giá, sương muối ở vùng núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Về diễn biến mùa hè năm tới, Trung tâm cảnh báo nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu Tây Bắc Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và một số nơi thuộc Tây Nguyên từ khoảng tháng 3, sau đó có xu hướng mở rộng hơn từ tháng 4. Khu vực phía Đông Bắc Bộ, nắng nóng xuất hiện muộn hơn và tập trung trong tháng 5-6. Số ngày nắng nóng năm 2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, đặc biệt tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ.

Biến đổi khí hậu làm thời tiết ngày càng dị thường, các kỷ lục nhiệt độ có thể sẽ tiếp tục được thiết lập, do vậy cần có các kịch bản sớm ứng phó và phòng ngừa rủi ro thiên tai mang lại.

Những thảm hoạ do nắng nóng gây ra trong năm 2023

Mùa hè 2023 vừa qua, người dân trên toàn thế giới đã thực sự phải nếm trải một phần nào đấy hậu quả của biến đổi khí hậu. Thống kê các sự kiện thời tiết cực đoan năm 2023 và cho chúng ta thấy rõ hơn về thực trạng đáng báo động của biến đổi khí hậu.

2023 được ghi nhận là năm có nhiệt độ cao kỷ lục. Theo số liệu được ghi nhận vào tháng 7, nhiệt độ trung bình của trái đất đã đạt mức 17.32 độ°C, phá vỡ kỷ lục của năm 2016 ở mức 16.92°C.

Rất nhiều những địa điểm du lịch tại châu Âu bị đóng cửa và phát báo động đỏ cảnh báo người dân khi ra đường. Hàng loạt khách du lịch tại Rome đã ngã gục khi nhiệt độ vượt quá 40°C.

Với nhiệt độ cao kéo dài trong nhiều ngày làm cây cỏ khô héo, năm 2023 cũng ghi nhận rất nhiều đợt cháy rừng trên diện rộng và một trong số đó là các vụ cháy rừng nối tiếp nhau tại Hy Lạp kéo dài trong gần 2 tuần. Lượng CO2 phát thải trong những vụ cháy lên tới 1 triệu tấn.

Cảnh tượng cháy kinh hoàng như tận thế tại Hy Lạp (Ảnh: Konstantinos Tsakalidis).

Cảnh tượng cháy kinh hoàng như tận thế tại Hy Lạp (Ảnh: Konstantinos Tsakalidis).

Nhiệt độ ở các quốc gia châu Phi thậm chí còn kinh khủng hơn, khi Algeria và Tunisia ghi nhận nhiệt độ đạt tới gần 50°C. Trong khi Châu Âu và Châu Phi phải hứng chịu những đợt sóng nhiệt liên tiếp thì mưa bão và thiên tai lại hoành hành tại châu Á.

Những vùng được cho là nóng nhất Việt Nam

Riêng với Việt Nam, gần 100 kỷ lục về nhiệt độ được ghi nhận trong mùa hè. Nền nhiệt trung bình tháng 3 tại Bắc, Trung và Trung Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1 độ, riêng Đông Bắc Bộ cao hơn 1-1,5 độ C. Nhiệt độ cao nhất trong tháng được ghi nhận ở Kim Bôi (Hòa Bình) ngày 22/3 với 41,4 độ, vượt mốc lịch sử năm 1996 là 3,3 độ C. Cùng ngày, Cao Bằng nóng 36,7 độ C, vượt qua kỷ lục gần 60 năm trước.

Tháng 4 có bốn đợt nắng nóng diện rộng, trong đó tại Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ kéo dài 8 ngày, nhiệt độ phổ biến cao hơn 1-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Tháng này có 12 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận.

Tâm điểm nắng nóng là ba tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu với các kỷ lục chủ yếu xác lập vào ngày 18-19/4. Nóng nhất là ở Mường La (Sơn La) 42,8 độ C, vượt kỷ lục cách đây bốn năm gần 1 độ. Ngoài ra, Sơn La cũng có bốn điểm đo khác có nhiệt độ vượt mốc lịch sử.

Tháng 5 nóng nhất mùa hè 2023 với 5 đợt gay gắt và đặc biệt gay gắt trên diện rộng. Riêng Bắc và Trung Bộ trải qua 16 ngày trên 35 độ, chủ yếu 38-40 độ C.

44 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trong tháng này, riêng Bắc Bộ có 22 tập trung ở Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Nội và Ninh Bình. Ngày 6/5, Lạc Sơn (Hòa Bình) nóng 43,4 độ, vượt mốc lịch sử năm 1966 khoảng 1,4 độ C. Ngày 17/5, trạm Hà Đông (Hà Nội) ghi nhận 41,3 độ C, cao hơn kỷ lục ba năm trước gần nửa độ.

Các kỷ lục ở miền Trung được ghi nhận từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Trong đó, ngày 7/5 Tương Dương (Nghệ An) nóng 44,2 độ C, cao nhất lịch sử quan trắc ở Việt Nam, vượt qua kỷ lục cũ bốn năm trước tại Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,4 độ C.

Tháng 6, nhiệt độ giảm, các đợt nắng nóng bị chia nhỏ do có năm đợt mưa lớn diện rộng. Cả tháng có bốn đợt nắng nóng, trong đó đợt dài nhất ở Bắc Bộ 5 ngày, các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên là 13 ngày.

Có 21 kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trong tháng 6, tất cả ở Bắc Bộ, tập trung ở Sơn La với 7 kỷ lục. Ngày 1/6, Mường La (Sơn La) nóng 43,8 độ, vượt kỷ lục cách đây hai năm 3 độ. Cùng ngày, điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển là Sa Pa (Lào Cai) lên 29,4 độ, cao hơn kỷ lục cách đây 45 năm 1,5 độ C.

Kỷ lục nhiệt độ tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An trong tháng 5/2023 là 44,2 độ.

Kỷ lục nhiệt độ tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An trong tháng 5/2023 là 44,2 độ.

Mặc dù chưa hết tháng 7, miền Bắc và Trung gồm các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên ghi nhận khoảng 20 ngày nắng nóng. Nhiệt độ trung bình ở miền Bắc, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cao hơn trung bình nhiều năm 1-1,5 độ C.

Trong 20 ngày đầu tháng đã có 12 kỷ lục được ghi nhận ở Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang và Nghệ An. Trong đó, Hà Giang ngày 17/7 nóng 39,5 độ, phá kỷ lục được xác lập cách đây gần 60 năm (38,6 độ C).