Sáng 6/11, giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải thay đổi tư duy xây dựng pháp luật như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm với Quốc hội.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình sáng 6/11. Ảnh: QH. |
Theo đó, phải thống nhất tư duy xây dựng luật này, trước đây chỉ tập trung vào khâu quản lý. Lần này phải vừa quản lý, vừa kiến tạo cho phát triển và mở ra cho phát triển để tạo ra các động lực mới, tạo ra các không gian mới, khơi thông được các điểm nghẽn, giải phóng được các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Theo Bộ trưởng, cần phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. "Kinh nghiệm chúng tôi đi Trung Quốc, một tỉnh của Trung Quốc 3 năm người ta làm được 2.000 km đường cao tốc. Tôi có hỏi một bộ trưởng tại sao làm được nhanh thế, tại sao Trung Quốc làm được nhiều thế, tại sao lại rẻ thế. Họ nói có 3 vấn đề. Một, là các đồng chí có dám vay không. Hai là, có phân cấp mạnh cho địa phương không? Ba là, họ thành lập các công ty nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công. Đường sá, cầu cống xong họ chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân, rồi thu hồi vốn đó về. Như vậy, họ vẫn tranh thủ được vốn của tư nhân và vốn của Nhà nước đi làm việc khác. Họ cứ quay vòng như thế và làm rất nhanh”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, cần phải học tập, tại sao họ làm được diện tích đường cao tốc lớn nhất thế giới, có 49.000 km đường sắt cao tốc, có 200.000 km đường sắt tốc độ cao. Trong khi đó, chúng ta chưa có km nào?
“Nếu chúng ta làm theo quy định như thế sẽ rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu, phải phân cấp mạnh hơn”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, trong phân cấp, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế môi trường và làm rõ các trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm xin - cho, giảm “quyền anh, quyền tôi”, giảm đùn đẩy, né tránh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến, chúng ta sẽ có 40 dự án trên 10.000 tỷ và có 30 dự án trên 30.000. Nếu với số 30 dự án trên 30.000 tỷ trong một nhiệm kỳ của Quốc hội, con số này đã lớn và nhiều. Nếu chúng ta giảm xuống còn 20.000 thì số này còn tăng lên nữa, Quốc hội sẽ mất rất nhiều công cho các dự án quan trọng quốc gia.
Ông Dũng đề nghị với Quốc hội ủng hộ giữ 30.000 và cũng phù hợp với thực tế, tăng phân cấp, phân quyền cho cấp dưới, cho Chính phủ hoặc cho địa phương và Quốc hội tập trung vào làm những vấn đề quyết sách lớn của đất nước.
Đối với tách giải phóng mặt bằng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là câu chuyện rất nan giải và đây sẽ là một bước tiến. Trước đây, chúng ta chỉ quy định có 2 bước, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bây giờ tách ra làm 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án, như vậy giải phóng mặt bằng nằm ở chuẩn bị dự án.
“Nếu tách bạch cả 3 bước này ra thì chúng ta sẽ biết nguyên nhân nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai và như vậy chúng ta sẽ tách giải phóng mặt bằng ra cho làm trước, làm song song với làm thủ tục đầu tư, khi chúng ta làm xong thủ tục đầu tư là có thể thực hiện được ngay, thay vì phải xong quyết định đầu tư mới được làm giải phóng mặt bằng. Đây là một cuộc cải cách rất lớn”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng đồng ý với các đại biểu phải quy định chặt chẽ trên tinh thần chúng ta linh hoạt, mở ra nhưng phải quản lý được, kiểm soát được chứ không phải tràn lan dẫn đến gây thất thoát, lãng phí