Con em "đắm chìm" vào các thiết bị điện tử trong thời gian nghỉ hè
Thực tế hiện nay, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, nhất là các chương trình giải trí hấp dẫn dành cho trẻ em, đã khiến tình trạng trẻ “nghiện” smartphone ngày càng gia tăng, đặc biệt trong thời gian hè, khi các con được nghỉ học.
Hiện các con đang nghỉ hè ở nhà nhưng các cha mẹ vẫn phải đi làm cả ngày nên việc kiểm soát con xem tivi hay điện thoại rất khó thực hiện. Nếu nhà có đông con thì các con cũng chỉ vui đùa, chạy nhảy được một lúc, rồi túm tụm vào xem tivi hoặc chơi game trên máy tính, điện thoại, ipad... Phụ huynh đau đầu vì con em "đắm chìm" vào các thiết bị điện tử trong thời gian nghỉ hè.
Việc không thể giúp con "cai nghiện" tivi và các trò chơi game không chỉ khiến nhiều cha mẹ lo lắng về sức khỏe tinh thần, khả năng độ cận thị của con sẽ tăng cao mà còn làm cho mâu thuẫn gia đình ngày càng căng thẳng. Nhiều cha mẹ còn lên mạng xã hội chia sẻ, hỏi cách để giúp con "cai nghiện" tivi và các trò chơi điện tử.
Mới đây, trên một diễn đàn dành cho các phụ huynh trên Facebook, một người đăng ẩn danh chia sẻ sự bất lực của mình khi phát hiện con trai mới học lớp 9 đã biết chơi bài và đánh đề trực tuyến.
Nhiều phụ huynh cũng đã chia sẻ tâm trạng khi trời thì nóng nực, công việc thì áp lực, nhiều hôm đi làm về đã mệt, lại thấy con vẫn mải miết với mấy trò chơi điện tử, khiến họ rất ức chế nên đã không thể kiềm chế, trách mắng con, thậm chí có khi đánh con. Gia đình thường xuyên căng thẳng chỉ vì hàng ngày bố mẹ đi làm về, việc đầu tiên là quát con: "Tắt ngay tivi, điện thoại đi". Còn các con thì miễn cưỡng tắt đi nhưng vì chúng đang cao hứng, xem không vui, thậm chí phụng phịu, khóc lóc không chịu thực hiện "mệnh lệnh" của bố mẹ... Nhiều trẻ đối phó bằng cách ngoan ngoãn tắt đi khi bố mẹ nhắc nhở, quát mắng, nhưng khi bố mẹ bận đi làm việc khác, chúng lại dán mắt vào để xem tivi, chơi game, xem youtube...
Phụ huynh cần làm gì để 'tách' trẻ với thiết bị điện tử
Hầu hết cha mẹ đều mong muốn có thể “tách” con khỏi tivi, điện thoại, mạng xã hội vì sợ con "nghiện" nó, sợ ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện đúng. Nhiều cha mẹ cấm đoán, mắng mỏ, tịch thu điện thoại, cắt mạng Internet… Tuy nhiên, những hành động mang tính chỉ trích, cưỡng chế như vậy khó có thể giúp con “cai” điện thoại, tivi mà chỉ càng khiến con khó chịu, phản kháng.
Theo các chuyên gia, để 'tách' trẻ với thiết bị điện tử, cha mẹ cần có "chiến thuật" phù hợp chứ không thể sử dụng các hình thức cực đoan như cấm đoán, tịch thu điện thoại hay cắt mạng internet…
Theo ThS. Đặng Hải Tú - Khoa Sức khỏe vị thành niên BV Nhi TW, cha mẹ nên có những điều chỉnh hoặc can thiệp kịp thời trong trường hợp trẻ bị phụ thuộc vào thiết bị điện tử, game online. Cha mẹ cần khéo léo, thường xuyên nhắc nhở con về tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử quá độ, gây ảnh hưởng đến mắt, thần kinh... Đưa trẻ xem và đọc về những tác hại để trẻ hiểu, có ý thức điều chỉnh hành vi.
Bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MDS), khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tiếp cận với con theo phương pháp đồng hành. Bằng tình yêu thương, cha mẹ hỏi han và tìm hiểu các trải nghiệm của con trên môi trường mạng, học tập cùng con, cùng nói chuyện, tâm sự và tìm ra những giải pháp cho các tình huống, vấn đề con có thể gặp phải trên môi trường mạng. Chẳng hạn, trong dịp hè, bố mẹ có thể tranh thủ lúc con rảnh rỗi cùng giao bài tập gia đình như: Tìm kiếm, trình bày, phản biện với nhau về các rủi ro trên môi trường mạng, giúp cả gia đình vừa học tập, vừa tăng kiến thức kỹ năng số…
Phụ huynh cần khuyến khích và tạo thêm môi trường cho trẻ tham gia rất nhiều hoạt động thú vị khác như đọc sách, chơi thể thao, văn nghệ, tham gia các câu lạc bộ. Không nên để các hoạt động của các em quá "nghèo nàn" đến nỗi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cho con dùng điện thoại, máy tính. Những hoạt động giúp trẻ "tách" khỏi các thiết bị điện tử hay môi trường mạng nên có sự đồng hành của gia đình, người thân và bạn bè thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều,
Khi làm cho bản thân trẻ bận rộn, trẻ sẽ không còn nhiều thời gian rảnh rỗi để đắm chìm trong trò chơi, mạng xã hội để giết thời gian.
Bên cạnh đó, để con có một mùa hè trải nghiệm, tránh xa các thiết bị điện tử, cha mẹ có thể gửi con về quê với chơi ông bà hoặc người thân, đăng ký các khóa dã ngoại, kỹ năng sống, khóa tu, trải nghiệm, học hè ... Tuy nhiên, phụ huynh cần quan tâm tính an toàn, thoải mái, nhẹ nhàng cho trẻ. Số vụ tai nạn thương tích từ đuối nước đến những rủi ro như điện giật, ngã xe, ngộ độc... thường có chiều hướng gia tăng vào mỗi kỳ nghỉ hè.