Lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học khuôn mặt, đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để thu thập thông tin khách hàng, chiếm đoạt tài sản.
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/7/2024, tất cả các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đều phải được xác thực sinh trắc học bằng vân tay hoặc khuôn mặt. Ngoài ra, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng giá trị số tiền các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì khi đến lần chuyển tiếp theo trong cùng ngày đó cần phải xác thực bằng khuôn mặt hoặc vân tay.
Như vậy, dùng sinh trắc học để xác thực truy cập là vô cùng quan trọng. Để người dân thuận tiện khi thực hiện xác thực sinh trắc học, ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác xác thực sinh trắc. Các ngân hàng cũng đều có thông báo, hướng dẫn bằng cả văn bản lẫn video để người dân dễ dàng thao tác xác thực sinh trắc khuôn mặt. Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật sinh trắc học, nhiều người dân gặp khó khăn trong thao tác thực hiện.
Ảnh minh họa |
Các đối tượng lừa đảo đã mạo danh ngân hàng dụ xác thực sinh trắc học. Cụ thể, kẻ gian gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD để hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Nhiều ngân hàng mới đây đã phát đi thông báo khuyến cáo người tiêu dùng phải cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo mới.
Cách thức lừa đảo được các đối tượng thực hiện đó là liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Đồng thời đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu khác.
Trước tình trạng lừa đảo trên, các ngân hàng, khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo.
Lãnh đạo Bộ Công an lưu ý, khi quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/7, tội phạm cũng sẽ tìm cách đối phó.
Ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia kỹ thuật bảo mật thuộc dự án chongluadao.vn, đồng quan điểm rằng việc xác thực sinh trắc học khi giao dịch qua tài khoản ngân hàng trực tuyến có thể giúp giảm thiểu rủi ro về an toàn thông tin khi giao dịch. Tuy nhiên, vẫn có thể tồn tại các lỗ hổng tiềm ẩn mà đối tượng tội phạm có thể lợi dụng. Thực tế, nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo đã chủ động chuyển tiền dựa trên thông tin sai lệch mà họ nhận được mà không qua xác minh. Trường hợp này sinh trắc khuôn mặt không có tác dụng do kẻ gian lừa đảo bằng cách thuyết phục nạn nhân thực hiện giao dịch một cách tự nguyện.
Theo các chuyên gia, vẫn còn rất nhiều thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền mà không cần thực hiện xác thực sinh trắc học khuôn mặt mà người dân phải cảnh giác.