Chướng bụng, buồn nôn… đi khám phát hiện ung thư di căn

Dấu hiệu của ung thư buồng trứng thường bị nhầm là triệu chứng của các căn bệnh nhẹ khác.
Chị V.H.N 30 tuổi, (Hà Nội) thường xuyên chướng bụng, đau bụng hố chậu trái, kèm buồn nôn, ăn uống kém, đại tiện phân lỏng. Tình trạng này kéo dài 1 tuần, chị N. đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám tổng thể.
Tại đây, kết quả bác sĩ phát hiện nữ bệnh nhân có u buồng trứng hai bên, u gan hạ phân thùy IV theo dõi thứ phát, nhiều dịch tự do ổ bụng nghi ngờ ung thư buồng trứng di căn gan.
Trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân N., bác sĩ phát hiện ổ bụng nhiều dịch tiết, mạc nối lớn đóng bánh nhiều nhân di căn, tổn thương gan hạ phân thùy IV xâm lấn rốn gan. Khối u buồng trứng hai bên có nụ sùi, dễ chảy máu, chưa xâm lấn xung quanh.
Bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ khối u tối đa bao gồm phẫu thuật cắt tử cung - 2 phần phụ - mạc nối lớn. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là ung thư biểu mô tế bào nhỏ thể tăng canxi.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ung thư buồng trứng là một trong những ung thư phụ khoa hay gặp nhất và cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho nữ giới. Tại Việt Nam, ung thư buồng trứng có xu hướng mắc ngày càng tăng.
Chuong bung, buon non… di kham phat hien ung thu di can
Bệnh nhân ung thư được thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Vietnamnet
Về mô bệnh học, ung thư biểu mô buồng trứng hay gặp nhất chiếm 80-90%, ung thư tế bào mầm 5-10%, các thể ung thư có nguồn gốc mô đệm sinh dục bắt nguồn từ trung mô và ung thư di căn đến buồng trứng ít gặp hơn.
Theo BS Phương, ung thư biểu mô tế bào nhỏ của buồng trứng thể tăng canxi mà chị H. mắc là loại u ác tính buồng trứng rất hiếm gặp và liên quan đến tăng canxi huyết ở 2/3 các trường hợp. Bệnh tiên lượng xấu, đáp ứng kém với điều trị, tỷ lệ sống ước tính ở bất kể giai đoạn trong 1 năm là 50% và tỷ lệ sống 5 năm dưới 10%.
Dấu hiệu của bệnh ung thư buồng trứng
Hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ung thư buồng trứng. Nhưng các nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa các yếu tố sau làm tăng nguy cơ như phụ nữ qua thời kỳ mãn kinh hoặc sinh đẻ ít; kinh nguyệt không đều; phụ nữ dùng thuốc kích thích rụng trứng; dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh, người bị ung thư vú.
Những phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái đã mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú hay ung thư đại trực tràng, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng gấp 2 đến 4 lần.
Dấu hiệu của ung thư buồng trứng thường bị nhầm là triệu chứng của các căn bệnh nhẹ khác. Phụ nữ cần lưu ý khi có các dấu hiệu sau cần đi khám sớm:
- Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón
- Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang
- Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt
- Đau khi quan hệ tình dục.
Mặc dù không có cách ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ nhưng bạn có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn uống lành mạnh. Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu vitamin A và chất xơ, tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
Phụ nữ không nên mang thai và sinh con muộn. Kéo dài thời gian cho con bú sữa mẹ cũng là cách tốt ngăn ngừa bệnh. Những người có mẹ, chị, em gái mắc ung thư vú, buồng trứng có thể làm xét nghiệm sàng lọc các gene BRCA1, BRCA2.