Chuyển đổi số hướng đến nền nông nghiệp thông minh

Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện công cuộc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Có thể hiểu rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình tích hợp và ứng dụng công nghệ số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0, phù hợp với xu thế trên thế giới. Nó giúp ngành nông nghiệp phát triển, người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Sản phẩm nông nghiệp làm ra được tiêu thụ nhanh chóng, người nông dân có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thông qua mã vạch, chỉ dẫn địa lý, vùng trồng…

Những lợi ích của chuyển đổi số

Việt Nam là một trong những nước dễ tổn thương nhất thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu, nó đe dọa tăng trưởng kinh tế dài hạn, giảm nghèo và phát triển bền vững. Bởi Việt Nam vốn đã chịu nhiều rủi ro thiên tai có liên quan đến khí hậu, do vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu với sự gia tăng nhiệt độ và thời tiết cực đoan đã và đang tác động trực tiếp đến tất cả lĩnh vực ngành nông nghiệp, như: giảm diện tích đất, giảm lưu lượng nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; gia tăng cường độ các cơn bão, nước biển dâng và dịch bệnh; giảm đa dạng sinh học.

Ngành Nông nghiệp đang tập trung vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Ngành Nông nghiệp đang tập trung vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Ngày nay, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi mà khí hậu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất xuất nông nghiệp, nhất là ngành trồng trọt. Sự bất thường của chu kỳ sinh khí hậu nông nghiệp không những dẫn tới sự tăng dịch bệnh, dịch hại, giảm sút năng suất mùa màng, mà còn có thể gây ra các rủi ro nghiêm trọng khác.

Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp quan trọng giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của các địa phương giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thất thu trong nông nghiệp, người nông dân có thể chủ động phòng tránh thiên tai, dịch bệnh.

Ứng dụng công nghệ 4.0 giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất

Hiện nhiều vùng nông thôn hiện đã áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Từ việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện qua điện thoại. Nhờ thay đổi phương thức sản xuất, phương pháp điều khiển từ xa nên người nông dân không còn cảnh vất vả, lăn lộn mưa nắng ngoài cánh đồng để làm việc.

Những ứng dụng được nông dân sử dụng phổ biến như ứng dụng công nghệ Data Analytics (phân tích dữ liệu) vào phân tích và quản lý, toàn bộ vùng khí hậu sẽ được cảnh báo rủi ro cho người dân sớm (72 giờ trước khi cơn bão đi qua), từ đó sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời. Hay ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học đã giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Dựa trên những dữ liệu được cung cấp, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch …), nhờ đó, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học. Ngoài ra, còn có các công nghệ theo dõi, giám sát, chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng camera; thiết bị đo mưa tự động; hệ thống quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản; lắp đặt hệ thống giám sát và chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường không khí trên cánh đồng…

Việc đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm chi phí sản xuất và công sức lao động, nhàn hạ hơn, giảm lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất sản phẩm… Từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân, đời sống nông dân ngày một cải thiện, góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Việc tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số này theo thời gian thực và yên tâm về chất lượng nông sản.

Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, từng bước đưa nông sản các địa phương vươn tầm cao mới.

Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã giúp nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở sản xuất hàng hóa tiên tiến, bền vững, đem lại lợi nhuận ổn định.. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất, tiêu dùng, giữa cung - cầu, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nhờ đó sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

Không chỉ số hóa trong quá trình sản xuất, mà còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, như: sàn thương mại điện tử, mạng xã hội...

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu dành nhiều sự quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững.