Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để phát triển làng nghề

Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn cho rằng, làng nghề cần nắm bắt cơ hội để ứng dụng công nghệ hiệu quả trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát huy tác dụng tích cực như một xu thế tất yếu đến đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, trong đó có nước ta. Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn có bài viết chia sẻ góc nhìn về việc ứng dụng công nghệ phát triển làng nghề ở Việt Nam.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Cách mạng 4.0 ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… Trong đó, chuyển đổi số là một trong ba trụ cột chính (vật lý, công nghệ sinh học và kỹ thuật số), bảo đảm cho Cách mạng 4.0 phát huy tác dụng.

Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu. Việc ứng dụng Cách mạng 4.0 phải bắt đầu từ chuyến đổi số.

Đại hội XIII của Đảng đã quyết định: Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước... Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ... Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo các nhà nghiên cứu, chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng.

Cụ thể hơn, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số, nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Trong thực tế, chuyển đổi số không chỉ có vai trò quan trọng tại doanh nghiệp, mà còn trong tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.

Để thực hiện chuyển đổi số, trước hết, phải “Số hóa”, tức là chuyển đổi các hệ thống giải pháp thông thường sang hệ thống kỹ thuật số (như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số...). Chuyển đổi số là khai thác dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn.

Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao sức cạnh tranh, như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận nhiều khách hàng hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên...

Với người dân, chuyển đổi số làm thay đổi cách sống, làm việc và giao dịch với nhau.

Đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt Quyết định 06/QĐ-TTg về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những nội dung quan trọng của đề án là tới giai đoạn 2023 - 2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Chuyển đổi số được thực hiện trong các ngành kinh tế sẽ tạo điều kiện hình thành nền “Kinh tế số” của đất nước. Kinh tế số được hiểu là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng. Kinh tế số cũng có những đóng góp có ý nghĩa trong sự hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu..

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta sớm có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Tháng 8/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban. Tiếp theo là Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định đến năm 2030, Việt Nam trở thành “Quốc gia số”; đồng thời đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP.

Do ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngày 22/4/2022, tại Quyết định số 505/QĐ-TTg, Thủ tướng đã phê duyệt ngày 10/10 hàng năm là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia” với 3 mục tiêu chính: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia, kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số tạo thành ba trụ cột của một quốc gia số.

Xã hội số: Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xã hội số, xét theo nghĩa rộng, bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi hoạt động của toàn xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân (công dân số): Triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số, gắn chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân...

Công dân số: Công dân số là người có kỹ năng, kiến ​​thức, có thể truy cập Internet thông qua máy tính, điện thoại di động và các thiết bị kỹ thuật số khác để tương tác với cá nhân, tổ chức và cộng đồng, tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội trên nền tảng kỹ thuật số.

Công dân số là thành phần của công dân toàn cầu, có trách nhiệm, đạo đức với hành vi của mình trên nền tảng kỹ thuật số để thúc đẩy kết nối cộng đồng trên toàn cầu và cùng nhau chia sẻ thông tin, giúp mọi người trên toàn thế giới đều có thể tham gia với tư cách công dân trong xã hội.

Chính phủ số: Chính phủ thực hiện đúng chức năng của “Chính phủ kiến tạo”, chuyển mọi quyết định về cơ chế, chính sách của Chính phủ lên môi trường số, hình thành “Chính phủ số” hoạt động dựa trên dữ liệu và cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ số dùng công nghệ số, sử dụng dữ liệu để ra quyết định, coi dữ liệu là một loại tài nguyên mới, cũng tức là chuyển đổi về cách thức ra quyết định của cơ quan chính quyền dựa trên báo cáo bằng giấy tờ sang dữ liệu phân tích định lượng và tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau thông qua chuyển đổi số.

Du khách trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm Thông tin Du lịch làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Hà Nội Mới.
Du khách trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm Thông tin Du lịch làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Hà Nội Mới.

Ứng dụng công nghệ trong làng nghề

Ở làng nghề hiện nay, nhiều loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh với quy mô rất khác nhau (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ kinh doanh). Trong đó, hộ kinh doanh với quy mô nhỏ và vừa chiếm phần rất lớn. Vì vậy, việc ứng dụng thành tựu của Cuộc Cách mạng 4.0 phải sát hợp với trình độ, khả năng của từng loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, không thể máy móc, rập khuôn.

Trong quản trị cơ sở sản xuất, kinh doanh: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề hiện nay, do có nhiều cơ sở quy mô nhỏ bé, vốn liếng chưa nhiều, văn phòng cần gọn nhẹ, nên thiết thực nhất là ứng dụng chuyển đổi số từng bước.

Ví dụ, quản lý, lưu giữ tài liệu; quản trị công việc, nhân sự, lập báo cáo; trao đổi thông tin, hội thảo trực tuyến; đào tạo nhân lực; thu thập dữ liệu về khách hàng; khảo sát tình hình làng nghề.. Trong đó, việc số hóa thông tin tài liệu có tác dụng thiết thực giúp doanh nghiệp lưu giữ tài liệu lâu dài, dễ tìm kiếm, tiết kiệm chi phí, tránh rủi ro, thất thoát.

Trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm: Theo các chuyên gia thiết kế, trong thời đại 4.0, công cụ được sử dụng hiện nay không chỉ là giấy, bút, màu vẽ. Đó còn là những phần mềm giúp cho nhà thiết kế mang lại tác phẩm khôngchỉ được phác họa theo phương pháp truyền thống, mà có thể là sản phẩm được tạo ra bởi sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ, sức sáng tạo của con người và đặc biệt là sự hỗ trợ của công nghệ số.

Việc sử dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn tạo nên sự khác biệt của sản phẩm được tạo ra so với phương pháp truyền thống, giúp nhà thiết kế có những tiếp cận mới, làm nảy nở kiểu dáng mới cho sản phẩm làng nghề.

Trong xúc tiến thương mại: Thực tiễn cho thấy trong làng nghề, các hoạt động xúc tiến thương mại đều có thể ứng dụng các công cụ hiện đại của cách mạng 4.0, nhất là trong quảng bá sản phẩm và giới thiệu sự kiện xúc tiến thương mại.

Việc giới thiệu sản phẩm có thể thực hiện bằng hình ảnh, băng hình, kỹ thuật 3D, giúp khách hàng nhận biết giá trị của sản phẩm, nhất là giá trị văn hóa của sản phẩm làng nghề truyền thống.

Việc giới thiệu sự kiện (như hội chợ, triển lãm...) cũng có thể ứng dụng công cụ hiện đại, để qua thực tế ảo, khách hàng nhận biết những đặc sắc của từng sự kiện để tham dự, cũng như hàng hóa mới để tìm mua.

Xúc tiến hơn nữa “thương mại điện tử”, thực hiện việc mua bán, trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ giữa các doanh nghiệp, gia đình, cá nhân, tổ chức tư nhân bằng các giao dịch điện tử thông qua mạng Internet hoặc các mạng máy tính, không dùng tiền mặt.

Thương mại điện tử cũng bao gồm việc đặt hàng và dịch vụ thông qua mạng máy tính, nhưng thanh toán và vận chuyển hàng hoặc dịch vụ cuối cùng có thể thực hiện trực tuyến hoặc bằng phương pháp thủ công.

Trong hoạt động du lịch: Các chuyên gia du lịch cho rằng, thời kỳ hiện nay là “Du lịch 4.0” ra đời cùng cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Các ứng dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, công nghệ thực tế ảo, dữ liệu lớn… được ứng dụng sẽ tạo động lực mới cho ngành du lịch để thực sự trở thành “kinh tế mũi nhọn” của đất nước.

Đối với khách, công nghệ 4.0 góp phần thúc đẩy nhu cầu du lịch của người dân thông qua thông tin hấp dẫn về điểm du lịch, sản phẩm du lịch của các địa phương mà họ biết qua môi trường Internet, hình ảnh, các thước phim 3D, 4D tái dựng sự kiện, di tích lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên.

Với nhà quản lý, việc số hóa cơ sở dữ liệu du lịch như tài nguyên du lịch; hệ thống các nhà hàng, khách sạn; hệ thống giao thông… của mỗi địa phương giúp họ quản lý hoạt động du lịch một cách dễ dàng, thuận tiện hơn trước.

Nhìn ở góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, công nghệ 4.0 giúp họ mở rộng thị trường du lịch nhờ Internet kết nối vạn vật, qua đó, có thể giảm chi phí quảng bá và tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nâng cao sức cạnh tranh và tăng thêm lợi nhuận của đơn vị.

Làng nghề mộc Việt Tiến, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Làng nghề mộc Việt Tiến, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Chuyển đổi số trong làng nghề

Xây dựng làng nghề: Các làng nghề cần thực hiện Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng về “Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là “Chương trình”).

Theo quyết định này, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới sẽ từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới cũng nhằm đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Chương trình gồm ba trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Đây là cơ hội mới rất quan trọng để chúng ta có thêm căn cứ và nguồn lực trong nhiệm vụ xây dựng làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống thành “Làng nghề văn hóa”. Việc thực hiện Chương trình này có thể dựa theo nội dung các phần đã trình bày trên đây về Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Bảo tồn di sản văn hóa làng nghề: Có thể thực hiện một số việc cụ thể như: Ứng dụng phần mềm thuyết minh tự động gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau để phục vụ khách tham quan hội chợ, triển lãm sản phẩm làng nghề; (thực hiện số hóa di sản văn hóa làng nghề để thuận tiện trong việc lưu giữ, phục vụ nghiên cứu và quảng bá những giá trị của di sản văn hóa; ứng dụng công nghệ 3D trong việc bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa vật thể, các di vật, cổ vật hoặc những công trình kiến trúc nghệ thuật của di tích đã bị xuống cấp, hoặc bị hủy hoại bởi khí hậu và thời gian.

Đối với nghề, làng nghề có nguy cơ mai một. Cả nước ta hiện có tới 171 làng nghề có giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nhưng hoạt động cầm chừng, không ổn định, có nguy cơ mai một; một số nghề có nguy cơ thất truyền.

Có thể ứng dụng công nghệ 4.0 trong các việc như phục dựng quy trình công nghệ của các nghề đang có nguy cơ mai một, dựng thành phim, ảnh, băng hình... kèm thuyết minh, có hình ảnh nghệ nhân, thể hiện truyền thống nghề thủ công của làng, lưu giữ làm tài liệu nghiên cứu sau này.

Tóm lại, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc chưa từng có, thúc đẩy công cuộc phát triển đất nước ta trên cơ sở chuyển đổi số với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành khá đầy đủ. Làng nghề cần nắm vững và có biện pháp ứng dụng phù hợp, đem lại những hiệu quả thiết thực cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cho các làng nghề, đưa làng nghề cùng tiến lên theo xu hướng chung của khoa học, kỹ thuật hiện đại.