Sự cố máy tính Windows bị lỗi màn hình xanh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, đơn cử như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, Vương Quốc Anh, Nhật Bản… và một số quốc gia khác trên thế giới.
Theo Microsoft, bản cập nhật lỗi của CrowdStrike đã khiến 8,5 triệu thiết bị Windows gặp sự cố màn hình xanh chết chóc, ảnh hưởng đến nhiều dịch vụ trên toàn thế giới. Hàng loạt sân bay, siêu thị, ngân hàng trên khắp thế giới đã chịu ảnh hưởng từ sự cố sập hệ thống máy tính có liên quan tới hệ điều hành Windows của Microsoft.
CrowdStrike đã tung ra bản vá lỗi song do đặc điểm can thiệp sâu vào hệ thống của Falcon và bản chất lỗi khiến việc khắc phục mất rất nhiều thời gian.
Các doanh nghiệp chỉ có một cách chủ động cài bản vá, đó là cài thủ công trên từng máy bị lỗi. Với các doanh nghiệp lớn có hàng trăm, hàng ngàn máy tính, việc khắc phục này mất nhiều thời gian đáng kể.
Mới đây, Microsoft đã phát hành một công cụ được thiết kế để giúp quản trị viên CNTT sửa chữa các máy Windows bị ảnh hưởng bởi bản cập nhật lỗi của CrowdStrike, khiến 8,5 triệu thiết bị Windows bị sập vào thứ Sáu tuần rồi. Công cụ này sẽ tạo ra một ổ USB khởi động mà quản trị viên CNTT có thể sử dụng để phục hồi nhanh các máy bị ảnh hưởng.
Hệ thống máy tính của các sân bay trên toàn cầu bị đình trệ, dẫn đến các chuyến bay bị trễ giờ. (Ảnh: Getty Images) |
Trước đó, CrowdStrike cũng đã phát hành bản cập nhật để sửa phần mềm, tuy nhiên không phải thiết bị nào cũng nhận được bản sửa lỗi. Một số quản trị viên CNTT đã phải truy cập vào Safe mode và xóa tệp “C-00000291*.sys”.
Về cơ bản, công cụ của Microsoft sẽ giúp quá trình khôi phục máy tính được nhanh hơn, bằng cách khởi động vào môi trường Windows PE thông qua USB, truy cập vào ổ hệ thống của máy bị ảnh hưởng và tự động xóa tệp CrowdStrike có vấn đề để máy tính có thể khởi động bình thường. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không cần khởi động vào Safe mode hoặc yêu cầu quyền quản trị trên máy.
Bên cạnh đó, Microsoft cũng có các bước khôi phục riêng cho Máy ảo Windows chạy trên Azure, và công ty cũng đã công bố các bước khôi phục cho tất cả các thiết bị Windows 10 và Windows 11.
Một chuyên gia an ninh mạng cho biết sự cố công nghệ thông tin này có vẻ như là "sự cố tê liệt lớn nhất trong lịch sử" đã dẫn đến việc hủy hơn 5.000 chuyến bay thương mại trên toàn thế giới và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh từ bán lẻ đến giao hàng, tới các quy trình tại bệnh viện..., gây thiệt hại về doanh thu, thời gian và năng suất của nhân viên.
Trong khi CrowdStrike đã lên tiếng xin lỗi, họ không đề cập đến việc họ có ý định bồi thường cho khách hàng bị ảnh hưởng hay không. Và khi được CNN hỏi về việc họ có dự định bồi thường hay không, họ đã không đưa ra câu trả lời.
Các chuyên gia cho biết họ dự đoán sẽ có những yêu cầu về việc đền bù và rất có thể sẽ có các vụ kiện tụng.
Các chuyên gia phần lớn đồng ý rằng còn quá sớm để nắm chắc “cái giá phải trả” của sự cố Internet toàn cầu vào cuối tuần trước. “Nhưng những thiệt hại đó có thể dễ dàng lên tới 1 tỷ USD”, ông Patrick Anderson, CEO của Anderson Economic Group - một công ty nghiên cứu tại Michigan chuyên ước tính chi phí kinh tế của các sự kiện như đình công và gián đoạn kinh doanh khác, cho biết.
Thế giới cũng đã vài lần chứng kiến các vụ máy tính ngừng hoạt động khiến dịch vụ của nhiều cơ quan, tổ chức gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân và nền kinh tế các quốc gia. Như sự cố máy chủ Fastly (2021); sự cố máy chủ Microsoft Azure (2018); sự cố máy chủ Facebook (2019);sự cố Google (2013); sự cố máy chủ Amazon Web Services (AWS) (2011)...