Đức muốn xây đường ống CO2 dài 4.800km để khử cacbon

Theo VDZ, Đức cần xây dựng mạng lưới đường ống CO2 dài 4.800 km với mức đầu tư khoảng 14 tỷ Euro để khử cacbon cho các ngành công nghiệp xi măng, vôi và đốt rác thải...
Nhà máy thu gom carbon đầu tiên của Châu Âu tiong ngành Xi măng hoạt động tại Đức. (Ảnh Nhà máy Rohrdorfer và Tòa tháp Myrzik und Jarisch)

Nhà máy thu gom carbon đầu tiên của Châu Âu tiong ngành Xi măng hoạt động tại Đức. (Ảnh Nhà máy Rohrdorfer và Tòa tháp Myrzik und Jarisch)

Tháng trước, Chính phủ Đức đề xuất chiến lược thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) để giúp nước này đạt được mục tiêu trung hòa khí nhà kính vào năm 2045. Chính phủ Đức có kế hoạch tập trung hỗ trợ của nhà nước vào việc thu giữ và lưu trữ hoặc sử dụng carbon từ các quy trình công nghiệp nơi khó hoặc không thể tránh được khí thải.

Theo báo cáo của Hiệp hội công nghiệp xi măng Đức (VDZ), hiện nay, lượng phát thải CO2 không thể tránh khỏi từ ngành xi măng, vôi và đốt rác thải là 66 triệu tấn mỗi năm – gần 10% tổng lượng phát thải của cả nước vào năm ngoái, lên tới 673 triệu tấn.

Do đó, Đức cần bắt đầu thực hiện dự án càng sớm càng tốt. Vì các nhà sản xuất xi măng và các ngành công nghiệp khác trong chương trình buôn bán khí thải của EU phải sản xuất hướng tới mục tiêu giảm phần lớn lượng phát thải vào năm 2040 – VDZ cảnh báo.

Theo kịch bản trung tâm của VDZ, trung hòa về khí hậu trong quá trình đốt xi măng, vôi và chất thải dẫn đến yêu cầu vận chuyển CO2 hàng năm là 6,5 triệu tấn vào năm 2030, 13 triệu tấn vào năm 2035 và khoảng 35 triệu tấn vào năm 2040.

Báo cáo của VDZ cho biết thêm, lượng vận chuyển bổ sung từ nước láng giềng Áo, Thụy Sĩ và Pháp sẽ lên tới 15 đến 20 triệu tấn CO2 mỗi năm. Theo VDZ, “Sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới đường ống CO2 chậm nhất là vào năm 2035 sẽ cho phép tiết kiệm CO2 tích lũy khoảng 500 triệu tấn CO2 trong 20 năm trong các lĩnh vực đang được xem xét”.

Christian Knell, chủ tịch nhóm vận động hành lang dự án trên cho rằng, việc xuất khẩu khí thải CO2 để lưu trữ ở nước ngoài (trọng tâm là các khu vực đáy biển ngoài khơi của Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Anh ở Biển Bắc) không thể là giải pháp duy nhất. Nước Đức cũng cần phải đóng góp cho việc phát triển cơ sở hạ tầng lưu trữ của châu Âu và chịu trách nhiệm về lượng khí thải CO2 của chính nước Đức.

Do đó, Knell cho rằng, chiến lược quản lý carbon của Chính phủ Đức “đầy hứa hẹn” vì cho phép lưu trữ khí thải dưới đáy biển trong vùng biển của Đức, cũng như cho phép thiết lập hệ thống đường ống vận chuyển khí thải.

Knell nhấn mạnh, việc phát triển cơ sở hạ tầng CO2 ở Đức là điều cần thiết cho các ngành này. Để đạt được điều này, các công ty cần có mạng lưới đường ống CO2 chậm nhất là vào năm 2035. Nhiều nhà sản xuất xi măng hiện đã sẵn sàng triển khai các dự án thu hồi CO2 nhưng vẫn thiếu khung pháp lý cần thiết và cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp.

Theo Robert Habeck – Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, CCS sẽ là sự bổ sung cần thiết cho chính sách khí hậu của Đức, trong đó bao gồm việc tiếp tục triển khai năng lượng tái tạo, từng bước loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, tăng cường nền kinh tế hydro và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng bất cứ khi nào có thể.

Tuy nhiên, Robert Habeck cho rằng, khí thải công nghiệp có thể được thu giữ và lưu trữ khi việc loại bỏ hoàn toàn khí thải là rất khó hoặc không thể.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác xuyên biên giới ở châu Âu trong việc thực hiện các phương pháp quản lý carbon: “Để biến tất cả những điều này thành hiện thực ở Đức, bắt buộc phải có một cuộc cải cách pháp lý và thỏa thuận với các quốc gia khác đã phát triển hơn nữa công nghệ này, hoặc có sẵn cơ sở lưu trữ”./.