Giải pháp cho điểm nghẽn của ngành công nghiệp hỗ trợ

Một số chuyên gia cho rằng, cần làm rõ điểm nghẽn, vướng mắc về ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc nâng cao năng lực, cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, khoảng 100 doanh nghiệp đang là nhà cung cấp cấp một cho tập đoàn lớn, 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp hai và ba.

Trong tiến trình phát triển công nghiệp, nhất là đối với quốc gia đang dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ có vai trò nền tảng đối với ngành công nghiệp nói riêng, cũng như cả nền kinh tế nói chung.

Trước hết, công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá.

Công nghiệp hỗ trợ là "bệ đỡ" cho sự phát triển sản xuất công nghiệp; là nền tảng, cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn. Chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc chất lượng của sản phẩm chi tiết, linh kiện được sản xuất từ ngành công nghiệp hỗ trợ.

Với sự quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có hiệu quả rõ nét. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong nước có năng lực tốt ở những lĩnh vực: Sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; Linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Những sản phẩm này đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo. Điều này đã tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ , giúp các doanh nghiệp từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...

Nhiều chuyên gia kinh tế tin tưởng, nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phát triển tốt. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương.

Nhiều chuyên gia kinh tế tin tưởng, nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phát triển tốt. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương.

Nhiều hạn chế, khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bộc lộ hạn chế. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp. Đơn cử, ngành điện tử từ 5-10%, ngành ô tô 7-10%, ngành dệt may, da giày 45-50%.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp, đáp ứng yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đánh giá về thông tin 10% doanh nghiệp áp dụng công nghệ, robot, bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện nay, với doanh nghiệp đầu chuỗi như Samsung, công nghệ là yêu cầu phải có. Nhưng với doanh nghiệp Việt, đây là rào cản vì kỹ năng, năng lực đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hoá phản ánh mức độ tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước. Mặc dù ngành công nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại di động, điện tử và máy tính, phương tiện vận tải và phụ tùng… được cho là đã gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng không được đánh giá cao, do tỷ lệ nội địa hoá trong nước chưa nhiều.

Hiện tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam dưới 0,5% doanh thu, trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%. Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm qua (các nước khác trong khu vực khoảng 15-20%).

Do đó, doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp FDI phụ thuộc nhiều việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất. Đây là nguyên nhân dễ dẫn đến tỷ lệ nội địa hoá thấp. Các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu từ 70% đến 90% nguyên liệu.

Một khảo sát khác cho thấy, 23% doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm mới trong 3 năm trở lại đây, cũng là mức trung bình so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn của việc đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp trong nước là nhằm cắt giảm chi phí, rất ít trong số đó để giới thiệu tính năng hoàn toàn mới.

Đồng thời, chỉ 4% doanh nghiệp nước ta mua bằng sáng chế để phát triển sản phẩm, bằng khoảng 1/3 đến ½ so với Philippines, Thái Lan và Malaysia.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang từng bước đổi mới. Ảnh minh họa: Hoàng Hà/VietNamNet.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang từng bước đổi mới. Ảnh minh họa: Hoàng Hà/VietNamNet.

Khơi thông điểm nghẽn, vướng mắc

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam - cho hay, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, yếu về vốn và công nghệ; trình độ quản trị sản xuất còn thấp. Để trở thành nhà cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp cần vượt qua rất nhiều hạng mục tiêu chí.

Đó là bộ chỉ số mà doanh nghiệp phải nỗ lực như Samsung có 4 bộ chỉ số về đảm bảo chất lượng, an toàn an ninh, kiểm soát minh bạch, đảm bảo chỉ số sản xuất. Tương tự, các hãng khác của Hoa Kỳ, Nhật Bản… cũng đều quy định như vậy.

Nhiều doanh nghiệp mặc dù tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến năng lực của Bộ Công Thương, nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể trở thành nhà cung ứng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ phía doanh nghiệp, hỗ trợ của bộ, ngành, các tập đoàn đa quốc gia để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Hương khuyến nghị.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng tin tưởng, nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ đủ phục vụ trong nước, mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ “Made in VietNam” được nhiều tập đoàn lớn của thế giới đang đầu tư như Samsung, LG, Apple, Honda, Toyota... tin dùng và trở thành nhà cung ứng một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ chuỗi sản phẩm công nghiệp chính.

Đề cao vai trò của công nghệ trong việc nâng năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Huy Nguyễn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chuỗi khối Việt Nam, đồng sáng lập và Chủ tịch tại KardiaChain - cho biết, các nhà sản xuất lớn đều đã xây dựng chuỗi cung ứng hoàn toàn tự động. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở những lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, săm lốp các loại…

Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - việc thúc đẩy mạnh công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ vẫn là trọng tâm cần ưu tiên. Do vậy, cần làm rõ điểm nghẽn, vướng mắc, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng lực, cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp thời gian tới.

Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ, đồng thời phối hợp xây dựng các nhà máy thông minh thông qua hợp tác với tập đoàn đa quốc gia triển khai đào tạo quản lý cấp trung.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc phát triển công nghiệp vẫn chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế để hình thành các chuỗi giá trị công nghiệp. Trong đó, địa phương không có chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong phát triển công nghiệp, thường bị nhà đầu tư lợi dụng để đàm phán có lợi cho mình.

Đó là chưa kể các hạn chế trong chính sách phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Do đó, cần nhanh chóng khơi thông các điểm nghẽn để phát huy hết tiềm năng, vai trò của ngành công nghiệp trong sự phát triển chung của đất nước.