Những mối nguy hại tiềm ẩn khi sử dụng mạng xã hội
Chắc chắn việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách sẽ mang lại nhiều mối nguy hại, đặc biệt là cho học sinh – lứa tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Đó là:
Nguy cơ bị lừa đảo:
Mạng xã hội là nơi hoạt động của nhiều đối tượng lừa đảo. Học sinh lại là thành phần còn non nớt về kiến thức cũng như kỹ năng sống nên dễ trở thành mục tiêu của kẻ xấu. Chúng tìm hiểu và tiếp cận với các em học sinh, dò hỏi thông tin cá nhân của trẻ để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nếu trẻ không cảnh giác thì rất dễ bị dụ dỗ, trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, bắt cóc tống tiền hay bị bán thông tin.
Gây nghiện mạng xã hội, ảnh hưởng sức khỏe, học tập
Nghiện mạng xã hội cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Nhiều em sử dụng mạng xã hội trong thời gian dài gây đau mỏi mắt, đau lưng, mất ngủ. Khi dành nhiều thời gian sử dụng mạng, các hoạt động thể dục thể thao cũng ít được các em quan tâm hơn. Ngày càng có nhiều học sinh bị cận thị, nhược thị, béo phì do nguyên nhân lớn là dùng mạng xã hội, dùng máy tính, điện thoại không kiểm soát.
Mạng xã hội có sức hút rất lớn đối với người dùng, đặc biệt là các bạn trẻ. Mạng xã hội mang tới những thông tin mới lạ, những người bạn từ khắp mọi nơi hay sự dễ dàng trong việc kết nối với bạn bè, người thân. Vì vậy có nhiều bạn bỏ bê học tập, không làm bài về nhà chỉ vì nghiện mạng xã hội. Điều này làm tình hình học tập của các em bị sa sút, lâu dần dẫn tới mất gốc, chán học thậm chí làm nảy sinh tâm lý muốn bỏ học.
Từ những mối nguy hại từ mạng xã hội nên việc cho con tiếp xúc với mạng xã hội hay không luôn là chủ đề gây tranh cãi của các bậc phụ huynh. Nhiều bố mẹ cấm tuyệt đối, không cho phép con dùng điện thoại và mạng xã hội. Tuy nhiên điều này rất dễ phản tác dụng vì trẻ con thường thích khám phá và tò mò, điều bố mẹ cấm đôi khi lại là điều kích thích khiến con lén dùng mạng xã hội. Theo các chuyên gia thì thay vì cấm cản, bố mẹ có thể hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, có văn hóa.
Những cách giúp trẻ sử dụng mạng xã hội lành mạnh
Bảo mật thông tin cá nhân: Những thông tin như tên thật, tuổi, trường lớp, địa chỉ nhà, ảnh cá nhân hay các loại mật khẩu là những thông tin cá nhân, cần được bảo mật, không nên chia sẻ những thông tin này trên mạng. Bố mẹ cũng nên hướng dẫn con bảo mật tài khoản 2 lớp để tránh bị lấy cắp tài khoản phục vụ cho những mục đích xấu. Nếu trẻ còn nhỏ, những bài đăng trên mạng cũng nên giới hạn người xem là bạn bè, để tránh sự nhòm ngó từ người lạ.
Suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ bất cứ điều gì: Mạng xã hội vẫn luôn là con dao hai lưỡi, vì vậy trước khi bình luận, chia sẻ hay đăng tải bất cứ thông tin gì con cần phải tìm hiểu và suy nghĩ kỹ. Vì những bài đăng trên mạng sẽ có nhiều người xem, có thể con sẽ bị người khác soi mói, đánh giá, bình luận tiêu cực khiến con thấy buồn hay lo sợ. Bên cạnh đó, thông tin được đăng tải trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều tin sai sự thật, tin kích động chống phá nhà nước,… được lan truyền trên mạng. Nếu không tìm hiểu kỹ thì con có thể chia sẻ, tin tưởng vào các nguồn tin sai trái, ảnh hưởng đến nhận thức, tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền tin giả. Các con có thể nhờ sự giúp đỡ từ bố mẹ để xem thông tin mình định chia sẻ có đúng sự thật không, có phù hợp để chia sẻ không.
Ứng xử văn minh trên mạng: Nhiều trẻ nghĩ rằng mạng xã hội là ảo, con có làm gì thì cũng không ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Tuy nhiên, mạng cũng là một xã hội thu nhỏ, tất cả những điều con làm trên mạng đều có thể ảnh hưởng đến bản thân con và mọi người. Khi nhìn thấy nội dung bạo lực, con có bình luận cổ vũ không? Nhìn thấy điều con không thích, con có để lại những bình luận chê bai, chỉ trích nặng nề? Gặp một chủ đề gây tranh cãi, con có bất chấp tất cả để bảo vệ ý kiến của mình? Hay khi buồn bực, con có trút giận lên những người con thấy trên mạng xã hội không? Tất cả những hành động không suy nghĩ đều có thể làm người bị chỉ trích thấy buồn và mặc cảm. Nghiêm trọng hơn, nhiều từ ngữ quá khích có thể khiến người khác tổn thương tinh thần, dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự tử. Vì vậy hãy sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, không hùa theo cộng đồng mạng để chửi rủa, miệt thị người khác. Nếu có điều gì buồn bực hay bất đồng quan điểm với bạn bè, người thân, con hãy chọn cách nói chuyện trực tiếp để cùng nhau đưa ra cách giải quyết phù hợp. Mạng xã hội là ảo nhưng nỗi đau là thật, đừng để một dòng chữ trong lúc không suy nghĩ làm ảnh hưởng đến cuộc đời của một con người.
Nhận biết các dạng lừa đảo qua mạng: Hiện này có rất nhiều dạng lừa đảo qua mạng. Kẻ xấu có thể tạo một tài khoản ảo, kết bạn và trò chuyện với con để lấy lòng tin sau đó dò hỏi những thông tin của con. Chúng có thể đóng vai một người bạn, muốn con cung cấp thông tin để gửi quà. Tuy nhiên các con luôn nhớ nguyên tắc “không chia sẻ thông tin cá nhân”, đặc biệt là chia sẻ trên mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của lừa đảo. Bên cạnh đó, con cũng cần cẩn thận với các trò chơi trúng thưởng, không nên nhấn vào đường link lạ để tránh bị mất tài khoản hay bị đánh cắp thông tin. Nếu có người yêu cầu các con gửi ảnh cá nhân, đặc biệt là ảnh nhạy cảm, hãy từ chối ngay và nói với bố mẹ. Đây cũng là một dạng lạm dụng cần được đề phòng và tránh xa.
Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội: Bố mẹ nên thống nhất và giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội cho con. Con chỉ nên sử dụng khi có điều cần trao đổi với bạn bè, thầy cô. Hoặc con có thể sử dụng mạng xã hội để giải trí sau khi đã hoàn thành các việc cần thiết. Với các bạn còn nhỏ, bố mẹ nên giới hạn mục đích sử dụng của con, việc dùng mạng xã hội chỉ để liên lạc, trao đổi học tập với bạn và thầy cô dưới sự giám sát của bố mẹ. Bố mẹ cũng nên dành nhiều thời gian bên con, hạn chế dùng mạng xã hội trước mặt con để đảm bảo sự thống nhất trong việc giáo dục và làm gương cho con.
Trong thời đại số hiện nay, việc thúc đẩy trải nghiệm trực tuyến tích cực cho thanh thiếu niên trên các nền tảng mạng xã hội trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với cha mẹ. Nhằm hỗ trợ các bậc phụ huynh nuôi dưỡng những trải nghiệm trực tuyến an toàn, bổ ích cho con, Một số lời khuyên giúp cha mẹ trao đổi hiệu quả hơn với con về việc sử dụng Internet và mạng xã hội một cách lành mạnh:
Trò chuyện sớm và thường xuyên với con về việc sử dụng mạng xã hội: Các bậc phụ huynh nên thường xuyên trò chuyện với con về cách sử dụng mạng xã hội cũng như những công nghệ kết nối trên Internet tương tự, nhưng đừng biến những cuộc trò chuyện này trở thành những bài giảng hoặc chất vấn một cách nghiêm túc. Các bậc cha mẹ nên lắng nghe và cho con cảm giác được tôn trọng ý kiến khi trao đổi về chủ đề này.
Các cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái có thể ngắn gọn và ngẫu nhiên, nhưng nên xuất hiện thường xuyên. Cha mẹ có thể hỏi con về sở thích và các hoạt động, ứng dụng mà con thích sử dụng, cách con giao tiếp với bạn bè, hoặc nhu cầu trong khi sử dụng Internet của con và hỗ trợ từ cha mẹ nếu con cần.
Trao đổi với con về việc thiết lập công cụ giám sát dành cho cha mẹ: Không chỉ nuôi dạy trẻ, cha mẹ còn phải giúp con trưởng thành một cách lành mạnh. Nếu các bậc phụ huynh có mong muốn thiết lập các công cụ giám sát trên thiết bị điện tử của con mình. Cho dù cha mẹ có sử dụng các công cụ giám sát trên các thiết bị của con hay không, mục tiêu của họ nên là dạy cho con các kỹ năng tư duy phản biện và phương tiện thông tin mà con sẽ cần để tiếp tục có những trải nghiệm trực tuyến bổ ích.
Hiện nay, có rất nhiều các loại công cụ giám sát khác nhau trên các thiết bị và ứng dụng. Cha mẹ nên trao đổi và cùng con xác định công cụ phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình.
Thảo luận về an toàn trực tuyến và hỗ trợ khi cần thiết: Độ tuổi thanh thiếu niên hiện nay đang sử dụng mạng xã hội và Internet với tần suất cao, do đó, thế hệ này cũng có ý thức và hiểu biết nhất định về an toàn trên không gian mạng. Cha mẹ có thể trao đổi để nắm bắt mức độ hiểu biết của con về quyền riêng tư và bảo mật, và con đang giữ an toàn cho bản thân như thế nào trên không gian mạng.
Với các bạn trẻ nhanh nhạy về công nghệ, cha mẹ có thể nhờ con hướng dẫn cách cải thiện an toàn và bảo mật trên tài khoản của mình như một cách để kiểm tra kiến thức của con về vấn đề này.
Nếu con mới được tiếp cận công nghệ, cha mẹ có thể bàn luận các chủ đề sau với con: Khám phá các công cụ an toàn và bảo mật có sẵn và trao đổi về thời điểm mà con nên sử dụng những công cụ này; Thảo luận về cách bảo vệ thông tin trực tuyến hiệu quả với mật khẩu mạnh và hồ sơ cá nhân ở chế độ riêng tư.
Tìm sự cân bằng giữa hoạt động trực tuyến và thực tế: Hành động thường quan trọng hơn lời nói. Thay vì yêu cầu con trẻ không sử dụng điện thoại trong những khoảng thời gian sum họp gia đình, cha mẹ nên làm gương cho con thông qua hành động của chính mình. Cha mẹ có thể trò chuyện với con về thời gian sử dụng thiết bị điện tử và Internet trong tuần so với cuối tuần hoặc các khoảng thời gian rảnh rỗi.
Trên các nền tảng mạng xã hội, Meta đã phát triển các công cụ hỗ trợ người dùng quản lý hiệu quả thời gian trực tuyến của mình, như tính năng giới hạn thời gian hàng ngày trên ứng dụng, công cụ giới hạn thời gian hoặc tạo ra các khoảng nghỉ giải lao trên Instagram thông qua Trung tâm Hỗ trợ dành cho Gia đình, và chế độ yên lặng trên Instagram giúp quản lý thời gian và tập trung.
Khuyến khích con giao tiếp trực tuyến lành mạnh với bạn bè, gia đình: Khi trẻ càng lớn, nhu cầu sử dụng các nền tảng mạng xã hội để kết nối với bạn bè, người thân dần tăng lên. Vì vậy, cha mẹ nên trò chuyện để tăng nhận thức của con về dấu vết kỹ thuật số (digital footprint) của mỗi người, cũng như khuyến khích con chia sẻ những thông tin tích cực trên các nền tảng số vì một khi đã đăng trực tuyến, những thông tin này sẽ tồn tại trong thời gian dài.
Trên các nền tảng nhắn tin của Meta, cha mẹ có thể tham khảo Công cụ giao tiếp dành cho gia đình trên Instagram, hướng dẫn trò chuyện với thanh thiếu niên về tương tác trực tuyến lành mạnh hoặc cách quản lý các mối quan hệ trực tuyến. Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, cha mẹ có thể tham khảo phiên bản Messenger Kids và các tài liệu hướng dẫn sử dụng Messenger.
Không phản ứng quá mức khi đề cập đến các vấn đề trên nền tảng trực tuyến: Các bậc phụ huynh không nên phản ứng quá mức nếu con đề cập đến vấn đề con gặp phải trên nền tảng trực tuyến, bao gồm bạo lực trực tuyến, lời lẽ thù địch hoặc nội dung đáng lo ngại. Phản ứng thái quá từ cha mẹ có thể khiến các em e ngại trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ và lời khuyên.
Cha mẹ có thể trò chuyện với con về các công cụ mà con có thể sử dụng, cũng như các hành động nhằm bảo vệ sự an toàn trực tuyến, sức khỏe tinh thần, và cách đối mặt với các hành vi, nội dung hoặc tương tác tiêu cực.
Khuyến khích con khám phá sở thích và học cách biểu đạt bản thân một cách vui vẻ, tích cực: Mạng xã hội có thể là một phương tiện tích cực giúp con khám phá sở thích hoặc cùng nhau tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ như một buổi nấu ăn, một bài nhảy hoặc một hoạt động vui nhộn qua hình ảnh và video.
TS. Vũ Việt Anh, một chuyên gia tâm lý giáo dục và Tổng giám đốc Học viện Thành Công, đã đưa ra những lời khuyên quý báu về cách bảo vệ trẻ em khỏi những tiềm ẩn nguy cơ khi các em tiếp xúc với không gian mạng.
Ông không phủ nhận sức mạnh và lợi ích của Internet và nhấn mạnh rằng việc trẻ em sử dụng thiết bị di động và Internet từ sớm cũng mang lại nhiều lợi ích. Các lợi ích này bao gồm tăng cường khả năng giao tiếp và khả năng kết nối với bạn bè trên toàn thế giới, khuyến khích việc tra cứu thông tin hữu ích trong quá trình học tập, và hỗ trợ các em có cơ hội học tập quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh về những nguy cơ không lường trước. Việc trẻ em sử dụng Internet quá sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của chính các em. Trẻ em "lang thang" trên mạng mà thiếu sự giám sát và hướng dẫn của người lớn dễ dàng trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Điện thoại và Internet có thể gây nghiện không chỉ đối với trẻ em mà còn đối với người lớn. Việc trẻ em sử dụng thiết bị di động quá 2 giờ mỗi ngày có thể để lại những hệ lụy đối với sự phát triển của trẻ.
Ông đề xuất một số biện pháp để giúp trẻ em sử dụng Internet một cách an toàn. Gia đình nên hướng dẫn con cái về cách sử dụng Internet, giúp các em lập thời gian biểu sử dụng hợp lý và tuân thủ kỷ luật.
Phụ huynh cần làm gương để các con có thể tuân thủ các quy định. Gia đình cũng có thể tìm các hoạt động thay thế ngoài trời và tham gia các hoạt động xã hội để trẻ em được tham gia, hướng các em đến thế giới bên ngoài nhiều hơn. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm cuộc sống.
Điều quan trọng nhất chính là các em cần phải hiểu và nhận thức đúng đắn về tình trạng của các em. Nếu không thể tự nhận thức được những nguy hại này, thì cha mẹ cần phải giáo dục hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó rất cần có sự kết hợp giữa quy định của nhà trường, văn bản pháp luật và sự thúc đẩy giám sát từ gia đình.
TS. Vũ Việt Anh cũng nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa gia đình, xã hội và trường học trong việc hướng dẫn con cái sử dụng Internet một cách "trong sạch" là rất quan trọng và cần thiết. Cần có chương trình giáo dục bắt buộc từ quản lý Nhà nước về việc sử dụng Internet, thiết lập quy định và thời gian sử dụng phù hợp cho từng độ tuổi và nhóm đối tượng khác nhau. Nhà nước cần xây dựng những ứng dụng để kiểm soát Internet và chặn các thông tin độc hại. Ngoài ra, cần có các chương trình tư vấn tâm lý cho học sinh để các em nhận thức rằng thế giới ngoài kia còn nhiều điều tuyệt vời không chỉ trong không gian mạng.
Cuối cùng, ông khẳng định, sự hợp tác toàn diện giữa gia đình, xã hội và trường học có thể định hình một môi trường an toàn cho trẻ em trải nghiệm không gian mạng.