Hình ảnh 3D chi tiết đầu tiên về trái tim người do các nhà nghiên cứu từ Đại học College London (UCL) và Cơ sở bức xạ Synchrotron của châu Âu (ESRF) phát triển. Mọi chi tiết của trái tim đều được các nhà nghiên cứu ghi lại bằng công nghệ hình ảnh mới nhất Công nghệ này được mệnh danh là "Google Earth" cho trái tim con người.
Hai trái tim của con người, một khỏe mạnh và một bị bệnh, được chụp ảnh với độ chi tiết 3D chưa từng có, ghi lại cấu trúc giải phẫu của các cơ quan có kích thước nhỏ tới 20 micromet, bằng một nửa chiều rộng của sợi tóc người. Các hình ảnh được chụp bằng kỹ thuật tia X, gọi là chụp cắt lớp tương phản pha phân cấp HiP-CT.
|
Giáo sư Andrew Cook - đồng tác giả nghiên cứu, nhà giải phẫu tim tại Viện Khoa học Tim mạch, Đại học College London - cho biết: "Thực sự đây là kỹ thuật mà chúng tôi đã chờ đợi trong nhiều năm. Nó cho phép chúng tôi nhìn thấy những thứ mà chúng tôi chưa bao giờ có thể nhìn thấy trước đây.... Được ví như Google Maps, chúng tôi có thể nhìn thấy toàn bộ trái tim, sau đó xuống cấp độ tế bào. Vì thế, chúng tôi có thể thấy rất rõ mối liên hệ giữa các thành phần. Và đó là điều cần thiết để hiểu một số loại rối loạn nhịp tim".
Hiện tại, các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm, cắt lớp điện toán CT và cộng hưởng từ MRI được sử dụng để chẩn đoán bệnh tim mạch, nhưng chúng không cung cấp thông tin cấu trúc chi tiết về những gì đang xảy ra trong một cơ quan. Các bác sĩ lâm sàng thường phải cắt các cơ quan thành nhiều phần và sau đó quét chúng để có cái nhìn chi tiết.
Công nghệ hình ảnh mới này giúp hỗ trợ những nghiên cứu bất khả thi trước đây về các bệnh liên quan tới tim mạch.
Trước đó, một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Soft Robotics vào tháng 2/2023 do nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ đã cố gắng tạo ra bản sao chức năng trái tim người bằng công nghệ in 3D, tăng cơ hội sống cho các bệnh nhân cần cấy ghép cơ quan này. Nghiên cứu này là một bước đột phá mới lạ có thể cứu sống những người mắc các bệnh nguy hiểm liên quan đến tim, buộc phải cấy ghép.