Chương trình bao gồm các nội dung như trải nghiệm ẩm thực Nhật Bản với bánh xếp kiểu Nhật Gyoza, tham quan không gian triển lãm các sáng kiến dinh dưỡng sức khỏe và tìm hiểu các hoạt động phát triển bền vững, giảm tác động môi trường mà Công ty đang thực hiện.
Đây là dịp để Ajinomoto Việt Nam chia sẻ về những sản phẩm chất lượng và hoạt động cụ thể mà công ty đã triển khai nhằm hiện thực hóa Mục đích tồn tại là: “Góp phần mang đến sức khỏe và hạnh phúc cho người dân và xã hội Việt Nam thông qua việc cung cấp những sản phẩm chất lượng và sáng kiến có giá trị” thuộc Mô hình triết lý được công bố từ 04/2023.
Mô hình Triết lý của Công ty Ajinomoto Việt Nam được công bố từ tháng 04/2023 |
Chương trình có sự tham dự của ông Tsutomu Nara – Tổng Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam và các thành viên trong Ban lãnh đạo Công ty cùng với các nhà báo, phóng viên từ các cơ quan truyền thông báo chí tại Hà Nội.
I. Ra mắt Bánh xếp kiểu Nhật Gyoza – Ajinomoto mở rộng sang lĩnh vực thực phẩm đông lạnh tại Việt Nam
Ở Việt Nam, Ajinomoto vốn được biết đến như một công ty hàng đầu trong lĩnh vực gia vị, thực phẩm. Nhưng quy mô của Tập đoàn Ajinomoto trên toàn cầu còn rộng lớn và bao phủ nhiều lĩnh vực hơn thế nữa. Trong chương trình tham quan lần này, đại diện công ty sẽ có bài chia sẻ về những thành tựu trong 4 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà Tập đoàn Ajinomoto theo đuổi bao gồm: Chăm sóc sức khỏe, Thực phẩm & sức khỏe, Công nghệ thông tin & truyền thông và Công nghệ xanh.
Đặc biệt đối với lĩnh vực Thực phẩm & sức khỏe, Ajinomoto sẽ mở rộng mảng kinh doanh thực phẩm đông lại tại thị trường Việt Nam trong năm nay, với sản phẩm đầu tiên là Bánh xếp kiểu Nhật Gyoza nhân thịt heo và gà vừa ra mắt ‘quốc gia 100 triệu dân’ trong tháng 7/2024. Việc ra mắt sản phẩm Bánh xếp kiểu Nhật Gyoza tại thị trường Việt Nam cho thấy nỗ lực của Ajinomoto mong muốn đem đến cho người tiêu dùng Việt trải nghiệm ẩm thực phong phú vừa thơm ngon, tiện lợi nhưng cũng đầy đủ dinh dưỡng.
1. Được yêu thích ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới trong 50 năm qua
Bánh xếp được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, thông qua con đường tơ lụa, sản phẩm du nhập và phát triển phổ biến thành món ăn truyền thống Nhật Bản, và được quen gọi là bánh xếp Gyoza. Sản phẩm Bánh xếp kiểu Nhật Gyoza của Tập đoàn Ajinomoto được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1972, trải qua hơn 50 năm với những cải tiến và phát triển liên tục, ngày nay Gyoza của Ajinomoto chính là thương hiệu số 1 Nhật Bản (theo kết quả nghiên cứu được công ty INTAGE Nhật Bản thực hiện và công bố ngày 22/03/2024). Đồng thời, sản phẩm đã chinh phục người tiêu dùng ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới cả những thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ… Bánh có nhân mềm mọng, vỏ mỏng mềm. Phần nhân kết hợp hoàn hảo giữa thịt và rau củ, mang đến cho người sử dụng hương vị chuẩn Nhật mà không mất nhiều thời gian chế biến.
2. Thưởng thức Gyoza theo cách chuẩn người Nhật
Bánh xếp kiểu Nhật Gyoza, không chỉ là một món ăn ngon mà còn là một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực của người Nhật. Điều đặc biệt trong cách người Nhật thưởng thức Gyoza chính là sự tỉ mỉ và tinh tế. Gyoza thường được người Nhật chế biến theo cách: áp chảo giòn một mặt và hấp chín phần vỏ còn lại. Điều này tạo nên sự kết hợp hoàn hảo giữa lớp vỏ ngoài giòn thơm và phần nhân mềm mại, thơm ngon bên trong. Khi thưởng thức, người Nhật thường nhúng Gyoza vào một hỗn hợp nước chấm đặc biệt gồm xì dầu, giấm và dầu ớt, mỗi người có thể điều chỉnh tỷ lệ tùy theo sở thích cá nhân. Cách nhấm nháp từng miếng Gyoza, cảm nhận sự hài hòa giữa vị mặn, chua và cay của nước chấm, cùng với hương vị đặc trưng của nhân bánh, đã tạo nên một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời, đầy cảm hứng và đậm chất Nhật Bản.
Sản phẩm Bánh xếp kiểu Nhật Gyoza của Ajinomoto được phát triển với mong muốn người tiêu dùng có thể trải nghiệm món bánh truyền thống đặc trưng của xứ sở Phù Tang chuẩn vị chỉ với 3 bước đơn giản tại nhà. Để có được món Gyoza ngon đúng chuẩn, người dùng không cần rã đông, không cần lật trở trong quá trình nấu và thực hiện 3 bước sau chỉ trong 6 phút:
• Bước 1: Áp chảo Gyoza với lửa lớn (dùng chảo chống dính)
Khi chảo nóng, cho 1 thìa dầu ăn vào chảo và chỉ áp chảo 1 mặt trong vòng 1 phút cho đến khi mặt bánh ngả sang màu vàng nâu.
• Bước 2: Nấu Gyoza ở lửa vừa
Cho khoảng 1/3 chén nước (60 ml nước) vào chảo. Đậy nắp lại và nấu ở lửa vừa trong 4 phút.
• Bước 3: Nấu Gyoza đến khi cạn nước
Mở nắp và tiếp tục nấu thêm 1 phút nữa cho đến khi nước trong chảo cạn hoàn toàn.
Với cách chế biến này, những chiếc bánh xếp không chỉ thơm ngon mà còn sử dụng rất ít dầu cho bữa ăn ngon mà lành mạnh hơn.
3. Bí quyết đem đến sự thơm ngon của Gyoza Ajinomoto
Sản phẩm Gyoza của Ajinomoto Việt Nam được sản xuất và nhập khẩu từ nhà máy tại Thái Lan, nơi phân phối sản phẩm Gyoza đến thị trường Châu Âu và các nước Đông Nam Á. Đặc biệt, bí quyết đem đến sự thơm ngon của Gyoza Ajinomoto chính là: Tỷ lệ cân đối giữa phần thịt nạc và thịt mỡ, Sử dụng cách thức xay thịt chuyên biệt không làm ảnh hưởng đến cấu trúc độ ngon của thịt và Phương pháp Phối trộn nhanh giữa Thịt và Rau củ cho vị ngon tinh tế.
Song hành với định hướng nhằm cải thiện dinh dưỡng sức khỏe cho người Việt, thời gian qua công ty cũng đã cho ra mắt đã ra mắt các sản phẩm với tiêu chí giảm muối như Nước Tương Phú Sĩ, Kho Quẹt Ăn Liền và giảm đường với các sản phẩm nước uống Blendy® dạng bột; hoặc các sản phẩm giúp tăng cường tiêu thụ rau quả như "Aji-Xốt" Xốt Mè Rang, v.v., góp phần vào lối sống lành mạnh của người dân Việt Nam.
II. Tiếp tục theo đuổi các sáng kiến cải thiện dinh dưỡng cho người Việt
Song song với việc ra mắt các sản phẩm chất lượng, các sáng kiến giá trị được Công ty đẩy mạnh triển khai nhằm góp phần cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe cho người Việt. Tại chương trình lần này, khách tham dự được tham quan không gian triển lãm các nội dung của Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em cùng Dự án Bữa ăn học đường.
Triển lãm trưng bày và nhấn mạnh các thực đơn cân bằng dinh dưỡng của Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em cùng Dự án Bữa ăn học đường. Thông qua đó, khách mời có thể quan sát thực tế các thực đơn dành cho phụ nữ mang thai, thực đơn cho mẹ đang cho con bú đến thực đơn cho trẻ em từ 7 đến 60 tháng tuổi, và cuối cùng là thực đơn cho học sinh tiểu học. Triển lãm này nhằm giúp người tham dự hiểu rõ hơn về cam kết và hành động cụ thể của Ajinomoto Việt Nam trong việc đóng góp vào dinh dưỡng và sức khỏe của thế hệ tương lai Việt Nam trong suốt một giai đoạn dài - từ khi còn là thai nhi đến khi hoàn thành bậc tiểu học.
1. Dự án Bữa Ăn Học Đường
Dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) thực hiện và triển khai tại các trường tiểu học bán trú trên quy mô toàn quốc từ năm 2017, với các nội dung hỗ trợ sự phát triển dinh dưỡng và sức khỏe cho học sinh tiểu học, gồm: “Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng”, Chương trình giáo dục dinh dưỡng “Ba phút thay đổi nhận thức” và “Bếp ăn mẫu bán trú” đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đến nay, Dự án đã được triển khai tại hơn 4.300 trường tiểu học bán trú các tỉnh thành toàn quốc, mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng đồng thời giáo dục kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho hơn 1.9 triệu học sinh.
Từ cuối năm 2023, Dự án Bữa Ăn Học Đường phát triển sang giai đoạn 2, mở rộng đối tượng sử dụng Phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Trước đây, Phần mềm này chỉ dành cho những trường tiểu học bán trú có bếp ăn ngay tại nhà trường. Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học không có bếp ăn tại trường nên bữa trưa của học sinh thường do các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp chế biến. Ở giai đoạn 2 của Dự án, Ban dự án đã trao đổi với các trường này để giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng từ Dự án Bữa ăn học đường đến các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp mà nhà trường đang hợp tác. Và nhờ việc triển khai giai đoạn 2 của Dự án mà nhiều hơn nữa các em học sinh ở tuổi tiểu học nhận được những lợi ích từ Dự án Bữa Ăn Học Đường.
2. Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em
Từ tháng 12/2020, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế chính thức triển khai Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em trên toàn quốc, thông qua Phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng dành cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi”, với mục tiêu đóng góp vào việc chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe của phụ nữ mang thai và trẻ em, từ đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam.
Phần mềm cung cấp ngân hàng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho mẹ và bé dưới 5 tuổi, với hơn 2.500 món ăn được nghiên cứu và phát triển theo từng giai đoạn, từ khi bắt đầu thai kì đến sau khi sinh đối với mẹ, và từ sơ sinh đến dưới 60 tháng tuổi đối với bé. Phần mềm cũng cung cấp các công cụ theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé, cùng kho kiến thức về dinh dưỡng, sức khỏe và ẩm thực được biên soạn bởi các chuyên gia. Người dùng chỉ cần đăng kí một tài khoản tại www.dinhduongmevabe.com.vn là có thể sử dụng toàn bộ các tính năng.
Chương trình đã được triển khai rộng rãi tại các bệnh viện sản – nhi và khoa sản-nhi các bệnh viện đa khoa ở 54 tỉnh thành cả nước. Tiêu biểu tại Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương (Hà Nội), các nội dung của Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em được bệnh viện triển khai thông qua các lớp học tiền sản, trong quá trình khám và tư vấn cho các bà mẹ, và các hoạt động truyền thông của bệnh viện.
Tính đến nay, đã có hơn 16 nghìn cán bộ y tế và hơn 1 triệu bà mẹ trên cả nước truy cập và sử dụng các nội dung của chương trình để chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bản thân và con nhỏ.
III. Triển khai các sáng kiến phát triển nông nghiệp bền vững và nhiều hoạt động giảm tác động đến môi trường
1. Dự án Khoai mì bền vững – Sáng kiến hỗ trợ tăng suất khoai mì và cải thiện thu nhập cho nông dân
Với mong muốn hỗ trợ cho người nông dân trồng khoai mì tăng năng suất, tăng thu nhập, tạo nguồn thu ổn định từ việc trồng cây khoai mì, đồng thời đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, Ajinomoto Việt Nam đã khởi động dự án Khoai mì bền vững từ tháng 4.2023.
a) Những khó khăn thường gặp của người nông dân khi trồng khoai mì
Công ty Ajinomoto Việt Nam hiểu được người trồng khoai mì đôi khi gặp nhiều khó khăn có liên quan cây giống, bệnh hại, dẫn đến năng suất khoai mì thấp…. Từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và sự phát triển môi trường bền vững.
Chính vì vậy, công ty đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp tại Việt Nam để phát triển và triển khai Dự án Khoai Mì Bền Vững với 3 mục tiêu chính:
1. Hỗ trợ tăng năng suất, tăng thu nhập ổn định từ cây khoai mì cho người nông dân;
2. Giúp làm giảm lượng CO2 trong không khí thông qua quá trình quang hợp của cây khoai mì để tạo ra tinh bột;
3. Góp phần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho sản xuất.
b) Quá trình triển khai dự án Khoai mì bền vững
Từ tháng 4 năm 2023, Ajinomoto Việt Nam đã khởi động dự án Khoai Mì Bền Vững trên 78,6 ha khoai mì, thuộc 18 hộ nông dân tại 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án bao gồm 4 nội dung chính:
1. Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc cung cấp giống mới HN1 có năng suất cao và có khả năng kháng bệnh khảm lá cho người nông dân;
2. Giới thiệu phương pháp canh tác mới, kết hợp với sử dụng phân bón sinh học AmiAmi₋α;
3. Phát triển và đưa vào sử dụng ứng dụng "Khoai Mì - Aji" trên điện thoại thông minh, giúp người nông dân phát hiện sâu bệnh nhanh chóng, đồng thời theo dõi quá trình canh tác, mùa vụ và kiểm soát quá trình chăm sóc cây khoai mì tốt hơn;
4. Phối hợp với các đơn vị thu mua tinh bột đảm bảo đầu ra để người nông dân yên tâm sản xuất.
Sau 12 tháng triển khai, bước đầu dự án đã gặt hái được những thành quả tích cực, cụ thể là năng suất khoai mì tại các hộ nông dân triển khai dự án đã tăng từ 21 tấn lên 40 tấn trên 1 hecta, hàm lượng tinh bột cao hơn, giúp người nông dân tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
c) Mục tiêu giúp làm giảm lượng CO2 trong không khí
Một trong những mục tiêu quan trọng nữa của dự án Khoai mì bền vững là thông qua quá trình quang hợp của cây khoai mì để tạo tinh bột, một lượng lớn CO2 trong môi trường sẽ được hấp thu. Năng suất khoai mì càng cao thì lượng CO2 trong môi trường được hấp thu càng lớn, từ đó góp phần giảm lượng khí CO2 trong tự nhiên.
d) Mục tiêu đến năm 2030
Ajinomoto Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ triển khai dự án trên 20.000 ha khoai mì, giúp giảm lượng lớn CO2, từ đó góp phần giảm tác động đến môi trường, đồng thời đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho sản xuất.
2. Các hoạt động giúp giảm tác động môi trường
Tập đoàn Ajinomoto có những chính sách về bảo vệ môi trường và được áp dụng cho tất cả các công ty thành viên trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam không chỉ tuân theo chính sách của Tập đoàn Ajinomoto mà còn tuân thủ nghiệm ngặt các quy định, pháp luật về môi trường của Việt Nam.
• Giảm khí thải nhà kính
Nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Công ty Ajinomoto Việt Nam tiến hành các hoạt động giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm sử dụng điện năng và thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, từ năm 2013, Ajinomoto Việt Nam đã đưa vào sử dụng lò hơi sinh học tại Nhà máy Biên Hòa, sử dụng trấu ép làm nhiên liệu thay cho nhiên liệu hóa thạch trước đây, giúp giảm hơn 50% lượng khí thải CO2 ra môi trường. Không dừng lại ở đó trong thời gian tới, Ajinomoto Việt Nam cùng với đối tác đang nỗ lực nghiên cứu để đầu tư hệ thống đồng phát sinh khối, cụ thể là hệ thống điện hơi bằng nhiên liệu sinh khối tại Nhà máy Ajinomoto Biên Hòa. Đồng thời, trong tương lai, Công ty sẽ nghiên cứu đưa vào vận hành hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy Ajinomoto Long Thành với diện tích 16.000 m², công suất 2000 KW. Thêm vào đó, công ty cũng sẽ nghiên cứu mua điện trực tiếp từ những đơn vị sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, theo cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (Cơ chế DPPA).
• Giảm thiểu rác thải nhựa
Bên cạnh đó, giảm thiểu rác thải nhựa cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại Ajinomoto Việt Nam trong hoạt động bảo vệ môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Trong nhiều năm qua, công ty đã triển khai các hoạt động để hướng đến giảm rác thải nhựa thông qua thực hiện chuyển đổi bao bì sản phẩm từ nhựa đa chất sang đơn chất có thể tái chế; phát động các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên như phân loại, thu gom rác thải nhựa, giảm thiểu chai nhựa, ly nhựa, túi nilon sử dụng một lần…
Đặc biệt, trong đầu năm 2024 với mục tiêu thúc đẩy thu gom và tái chế bao bì, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải theo chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Ajinomoto Việt Nam đã tiến hành ký kết thỏa hợp đồng hợp tác với các đơn vị thuộc danh sách đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, và đã được cấp giấy phép môi trường, giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
• Bảo tồn tài nguyên nước
Nhằm giảm thiểu khai thác nước từ tự nhiên để phục vụ cho sản xuất, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tháp giải nhiệt và hồ chứa nước riêng ngay trong khuôn viên nhà máy, nhằm sử dụng tuần hoàn lượng nước để làm mát hệ thống máy móc.
Đối với nước thải từ hoạt động sản xuất, Công ty đầu tư hệ thống xử lý nước thải hơn 100 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ xử lý vi sinh hiện đại để giải quyết lượng nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Hệ thống vận hành với công suất xử lý tối đa 3.400 m3/ngày đêm, luôn được giám sát vận hành chặt chẽ. Đồng thời, các thông số kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý được quản lý tự động và liên tục bởi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, nhằm đảm bảo nước thải sau xử lý xả ra sông Đồng Nai luôn đạt QCVN 40:2011/BTNMT tiêu chuẩn A của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh đáp ứng những chỉ tiêu nghiêm ngặt của Tập đoàn Ajinomoto.
• Giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm
Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm là một trong các ưu tiên hàng đầu của Ajinomoto Việt Nam. Công ty đã thực hiện hàng loạt các hoạt động giảm thiểu lượng thất thoát và lãng phí thực phẩm phát sinh trong quá trình sản xuất, từ việc tiếp nhận nguyên liệu thô cho tới việc phân phối các sản phẩm đến khách hàng. Cụ thể là cải tiến công đoạn sản xuất; tối ưu hóa thời gian giao hàng; thiết lập hệ thống quản lý đảm bảo sử dụng hiệu quả nguyên liệu sản xuất… Ngoài ra, công ty cũng góp phần giảm thất thoát thực phẩm nhờ tận dụng những nguyên liệu dư thừa trong quá trình sản xuất để làm ra các sản phẩm phân bón và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phục vụ cho nông nghiệp.
Hiện nay, Công ty đã đạt được mục tiêu tái chế 100% chất thải thực phẩm và loại trừ được thất thoát thực phẩm.