"Hóa chất vĩnh cửu" là chất gì mà nhiều người lo lắng?

"Hóa chất vĩnh cửu" xuất hiện trong vô số sản phẩm thường dùng hàng ngày, từ nồi chảo, thiết bị y tế, mỹ phẩm cho đến hộp bánh pizza... Nguy cơ cao mắc nhiều loại bệnh khi tiếp xúc.

"Hóa chất vĩnh cửu" là các hợp chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS) do con người tạo ra, nó có tác dụng chống nước, chống dính, chống dầu mỡ và chống bám bẩn. Các hóa chất này tích tụ tồn tại trong một số vật dụng hàng ngày, trong đất, nước và động vật hoang dã...Tính ổn định phân tử khiến PFAS gần như không thể phá hủy, dẫn đến việc chúng được gọi là "hóa chất vĩnh cửu".

Biện pháp hạn chế tiêu thụ PFAS

Biện pháp hạn chế tiêu thụ PFAS

PFAS bao gồm các hợp chất không phân hủy sinh học (non-biodegradable compounds) như: GenX, PFOS và PFOA. Các hợp chất này đã bắt đầu được đưa vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng từ những năm 1950. Một số sản phẩm phổ biến như: Bọt chữa cháy, các sản phẩm chống thấm nước/nhiệt, chảo chống dính, lớp phủ kim loại, sơn, các loại sáp, sản phẩm tẩy rửa, bao bì thực phẩm,... và vô số những sản phẩm khác.

PFAS được cho là liên quan đến ung thư, dị tật bẩm sinh, cholesterol cao, rối loạn tuyến giáp, gan và sinh sản... cho con người khi tiếp xúc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng gần như tất cả người Mỹ đều có lượng PFAS đo được trong máu

Chính phủ các nước đang đối mặt áp lực ngày càng tăng trong việc hạn chế PFAS do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa PFAS và bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh cũng như các tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch của con người và động vật.

"Hóa chất vĩnh cửu" PFAS có ở khắp mọi nơi trên thế giới. Theo trang The Guardian, khoảng 60% các mặt hàng dệt may chống thấm nước hoặc chống vết bẩn dành cho trẻ em đều có chứa PFAS. Thậm chí hợp chất độc hại này còn được tìm thấy trong một số sản phẩm được gắn mác “Thân thiện với môi trường”. Ngoài ra, trong các sản phẩm gia dụng hằng ngày như bọc ni lông, các hộp, chai, ly nhựa dùng 1 lần,... đều có “hóa chất vĩnh cửu”. Gần đây, PFAS còn được các nhà nghiên cứu phát hiện có trong nước mưa và đặc biệt là trong tất cả nguồn cung cấp nước chính tại Mỹ.

Hóa chất PFAS được tìm thấy trong hơn 3.300 mẫu được chính phủ Anh thử nghiệm vào năm 2022. Trong số tất cả các mặt hàng được kiểm tra, dâu tây bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì 95% trong số 120 mẫu được kiểm tra có chứa PFAS. Ngoài ra, còn có 61% trong số 109 mẫu nho có chứa PFAS, 56% trong số 121 mẫu anh đào, 42% trong số 96 mẫu rau bina và 38% trong số 96 mẫu cà chua.

Các nhà khoa học tháng 4/2024 công bố nghiên cứu phát hiện nồng độ nguy hiểm của “hóa chất vĩnh cửu” trên bề mặt nước và nước ngầm trên toàn thế giới, trong đó Australia, Mỹ và châu Âu được xác định là những điểm nóng ô nhiễm.

"Hóa chất vĩnh cửu" còn có trong hải sản. Cá hồi và các loại hải sản khác có nhiều lợi ích, nhưng có thể làm tăng nguy cơ tiếp xúc với hóa chất PFAS cho mọi người nếu ăn quá nhiều.

Mới đây, nghiên cứu do Viện Dartmouth, bang New Hampshire, Mỹ, dẫn đầu cho thấy những người thường xuyên ăn hải sản có thể đối mặt với nguy cơ gia tăng phơi nhiễm "hóa chất vĩnh cửu" - PFAS.

Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ 26 loại PFAS khác nhau trong các mẫu đồ biển được tiêu thụ nhiều nhất: cá tuyết, cá haddock, tôm hùm, cá hồi, sò điệp, tôm và cá ngừ. Họ phát hiện tôm và tôm hùm có nồng độ PFAS cao nhất, trung bình từ 1,74 - 3,30 nanogram trên mỗi gam thịt. Ở các loài cá và hải sản khác, con số này dưới 1 nanogram.

Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành một cuộc khảo sát trên 1.829 cư dân New Hampshire để đánh giá mức độ tiêu thụ hải sản của người dân nơi đây. Kết quả ghi nhận nam giới ở New Hampshire ăn trung bình hơn 1 ounce (28,3 gram) hải sản mỗi ngày và phụ nữ ăn gần 1 ounce. Con số này cao gấp 1,5 lần mức trung bình quốc gia. Trong khi đó trẻ em New Hampshire nhóm tuổi 2 - 11 tuổi ăn khoảng 0,2 ounce (5,7 gram) hải sản một ngày, mức cao nhất so với trẻ em toàn quốc.

Trên tạp chí Exposure and Health, các nhà nghiên cứu nói những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hướng dẫn y tế công cộng nghiêm ngặt hơn, thiết lập lượng hải sản mà mọi người có thể ăn một cách an toàn để hạn chế tiếp xúc với PFAS.

Chúng ta chưa có cách nào tránh hoàn toàn và cũng không phải lúc nào cũng biết vật dụng nào chứa PFAS hay không. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự chung tay từ cấp chính quyền đến địa phương. Mỗi quốc gia cần thiết lập các quy định mới, hạn chế mức tối đa hoặc đặt định mức cụ thể đối với việc sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp. Đối với người dân, cần nâng cao nhận thức về hóa chất vĩnh cửu, thay đổi thói quen sinh hoạt để tránh tối đa việc tiếp xúc với PFAS bằng một số việc đơn giản: không uống nước chưa qua xử lý, tránh sử dụng thảm và đệm chống ố, bình xịt chống thấm.

Thay toàn bộ đồ dùng nhà bếp có lớp phủ chống dính bằng các sản phẩm từ gang, thép không gỉ, thủy tinh hoặc tráng men. Kiểm tra nhãn để nhận biết thành phần polytetrafluoroethylene, hoặc PTFE, hoặc các thành phần "fluoro" khác và tránh những thành phần đó; Hạn chế dùng giấy gói thực phẩm, hộp nhựa xốp đựng đồ ăn nhanh và giấy bọc thực phẩm khác; Tránh các loại mỹ phẩm trang điểm và chăm sóc cá nhân được quảng cáo là "lì, thấm sâu và lâu trôi" vì chúng cũng chứa PFAS.

Trong thời gian gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã xem xét và đưa ra đề xuất về việc cấm sử dụng các loại "hóa chất vĩnh cửu" trong sản xuất vì những tác hại của nó. Đan Mạch cấm sử dụng các chất này trong bao bì thực phẩm từ năm 2020, nước này cùng với Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Na Uy đồng loạt kêu gọi việc cấm sử dụng hóa chất vĩnh cửu trên toàn lãnh thổ EU, có thể có hiệu lực sớm nhất vào năm 2025.

Các nước này cũng nhấn mạnh, lệnh cấm PFAS sẽ làm giảm lượng PFAS trong môi trường trong thời gian dài và tạo ra các sản phẩm và quy trình an toàn hơn cho con người.