Năng lượng tái tạo phát triển "nhảy vọt" năm 2024

Nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng. Và Việt Nam cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng tái tạo trong tương lai.   

Theo dự báo của giới chuyên gia, lĩnh vực năng lượng xanh sẽ tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển bền vững.

Việt Nam có nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo

Việt Nam có nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo (năng lượng xanh) lớn, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời nên có đủ khả năng sử dụng trong quá trình chuyển đổi để phát điện, từng bước giảm điện năng sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch.

Các thống kê cho thấy, Việt Nam là nước có nguồn năng lượng tương đối đa dạng. Tuy vậy, nước ta vẫn còn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp. Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai.

Theo báo cáo của tạp chí Forbes, một thành tựu nổi bật của năm 2023 là sự gia tăng toàn cầu trong việc áp dụng năng lượng tái tạo. Năm qua, thế giới chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và mua xe điện. Giá pin mặt trời, máy bơm nhiệt ở cấp độ công nghiệp và hộ gia đình cũng như giá năng lượng gió đều giảm. Điều này làm dấy lên hy vọng về việc áp dụng năng lượng sạch mạnh mẽ hơn trong năm mới.

Năm 2024 được coi là thời điểm bước ngoặt cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch, thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường.

Các quốc gia nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo

Chuyển dịch năng lượng sạch đã trở thành xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2030, thế giới cần tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo, gấp đôi cơ sở hạ tầng năng lượng hiệu quả, tăng doanh số bán các thiết bị bơm nhiệt và doanh số xe điện. Thế giới cần đầu tư 4.500 tỷ USD/năm cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch từ đầu thập niên tới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này là điều không dễ dàng.

Năng lượng tái tạo là một nguồn năng lượng bền vững, không thải ra các chất ô nhiễm gây thiệt hại cho môi trường và có thể được khai thác mà không gây tổn hại đến các hệ sinh thái

Năng lượng tái tạo là một nguồn năng lượng bền vững, không thải ra các chất ô nhiễm gây thiệt hại cho môi trường và có thể được khai thác mà không gây tổn hại đến các hệ sinh thái

Báo cáo của IEA được đưa ra trước thềm COP28 chỉ ra tiến bộ đạt được thể hiện qua công suất điện mặt trời và doanh số bán xe điện tăng lên mức cao kỷ lục. Điều này phù hợp với lộ trình mà IEA vạch ra để đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon cũng như các kế hoạch của ngành công nghiệp triển khai phương thức sản xuất mới phù hợp.

IEA cho rằng, ngành năng lượng đang thay đổi nhanh hơn tưởng tượng, các công nghệ năng lượng sạch đang đảm nhận một phần ba trọng trách giảm khí thải cần được thực hiện đến năm 2030.

Kết quả khảo sát toàn cầu, do Công ty nghiên cứu Glocalities phối hợp với Tổ chức Global Citizen thực hiện tại 21 quốc gia trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, gần 70% số người được hỏi ủng hộ sử dụng năng lượng mặt trời, cao gấp 5 lần so với tỷ lệ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch.

Theo đó, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng được ưa chuộng nhất, với 68% số người ủng hộ, tiếp theo là năng lượng gió (54%), thủy điện (35%) và năng lượng hạt nhân (24%). Tỷ lệ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch là 14%.

Do đó, vai trò của năng lượng tái tạo trong việc giảm lượng khí thải carbon toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng hơn vào năm 2024, khi các quốc gia đang nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, đồng thời việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là một yếu tố quan trọng trong các quyết định chính sách và đầu tư của các nước.

Việc chuyển dịch năng lượng xanh còn nhiều thách thức, cần giải pháp tháo gỡ

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, để thay thế điện than thì việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng sạch, không carbon ở Việt Nam là xu hướng tất yếu.

Bên cạnh đó, theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, do giá thành phát điện từ hai loại năng lượng này còn cao nên rất cần các tổ chức, các cơ quan quản lý, các cộng đồng nhận thức rõ để có hành động, hoạt động hỗ trợ phát triển điện gió và điện mặt trời để từng bước thay thế điện than trong tương lai. Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu điều tra nghiên cứu cơ bản, chưa sản xuất được thiết bị phát điện gió, điện mặt trời, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện.

Từ đó, GS.TS Hoàng Xuân Cơ đề nghị, Bộ Công Thương cũng sớm đưa ra lộ trình tăng giá bán điện cho người tiêu dùng trên cơ sở tăng mua điện gió, điện mặt trời giá cao trong giai đoạn tới, trước mắt là đến năm 2030 và xa hơn.

Về phía người dân và doanh nghiệp cũng phải sớm có phương án điều chỉnh mức sử dụng điện hợp lý và hiệu quả (theo hướng tiết kiệm) và nếu mức tăng giá điện hợp lý thì phải coi đây là mức “sẵn lòng trả” để có điện sạch cho tiêu dùng. Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi, nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống Nhân dân.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) Mai Duy Thiện, năng lượng sạch đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng thiếu điện, bảo đảm an ninh năng lượng, do đó, việc phát triển năng lượng sạch là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu của các nước. Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam đang trong cuộc, tạo cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam. "Giai đoạn đến 2050, hệ thống năng lượng của Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng.

Tại Việt Nam, nhiều năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chiến lược; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020.

Một dấu ấn lớn của chính sách chuyển đổi sang sử dụng điện từ năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải ròng khí nhà kính thể hiện rõ trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8- QHĐ8) mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

Các quy định và chính sách hỗ trợ được thiết kế và thực thi tốt như thuế nhập khẩu (FiT), ưu đãi thuế và miễn tiền thuế đất cũng được coi là những yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, ở Việt Nam.

Giữa bối cảnh kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, dư chấn của đại dịch và sự bất ổn của địa chính trị thì nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng 2024 sẽ là năm mang tính bước ngoặt của năng lượng xanh.

Chuyển đổi xanh là việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với sự quan tâm dành cho môi trường, nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng cuộc sống cao cho thế hệ hiện tại và tương lai, đạt được thông qua phát triển văn minh và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Trong bối cảnh tài nguyên tự nhiên dần cạn kiệt do khai thác quá mức, các quốc gia và doanh nghiệp đã và đang tìm đến Chuyển đổi xanh nhằm ứng phó với khủng hoảng cạn kiệt tài nguyên.