Nha Trang - Tiệm cận 100 năm lịch sử: Kỳ 2- Những năm tháng hào hùng

Như vậy, suốt chiều dài lịch sử 100 năm, Nha Trang, trải qua không biết bao nhiêu biến cố để dần dà hình thành một địa phương vừa chuẩn mực về năm tháng phát triển...

Trân trọng kính tặng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. Nha Trang

Như vậy, suốt chiều dài lịch sử 100 năm, Nha Trang, trải qua không biết bao nhiêu biến cố để dần dà hình thành một địa phương vừa chuẩn mực về năm tháng phát triển, vừa ghi nhận dấu ấn về sự hiện sự phát triển hành chính, vừa xác định địa giới hành chính của thành phố. Đặc biệt, Nha Trang đã ghi nhận dấu ấn hào hùng một thời đánh ngoại xâm.

Kỳ 2- Những năm tháng hào hùng

Ngày 19/8/1945 Cách mạng tháng nổ ra, ở Thủ đô Hà Nội nhân dân ta đã nổi dậy cướp chính quyền về tay Nhân dân. Đúng ngày đó (19/8/1945) quân dân Nha Trang, Khánh Hòa dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Kháng chiến do các ông Nguyễn Văn Chi làm Chủ tịch, Phạm Cự Hải làm Phó Chủ tịch, Trần Chí Hiền - Ủy viên Quân sự, Tôn Thất Vỹ (tức Nguyễn Minh Vỹ) làm Ủy viên Thư ký và một số ủy viên phụ trách các ngành đã vùng lên. Ngày 25/8/1945 quân dân Sài Gòn nổi dậy đánh đổ bọn thực dân đế quốc giành chính quyền về tay Nhân dân.

Vườn hoa Võ Văn Ký – Ga Nha Trang, nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt do Đại đội trưởng tự vệ Võ Văn Ký chỉ huy diễn ra vào ngày đầu tiên của 101 ngày đêm Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến.

Vườn hoa Võ Văn Ký – Ga Nha Trang, nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt do Đại đội trưởng tự vệ Võ Văn Ký chỉ huy diễn ra vào ngày đầu tiên của 101 ngày đêm Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến.

Thực dân Pháp tuy đã thất bại nhưng âm mưu ý đồ vẫn chưa từ bỏ Việt Nam. Ngày 23/9/1945, dưới sự yểm trợ của quân đội Anh, Pháp trở lại gây hấn ở Nam bộ. Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp nổ ra tại Sài Gòn - Gia định - Chợ Lớn. Một tháng sau, ngày 23/10/1945 quân dân Nha Trang Khánh Hòa bước vào cuộc chiến đáu 101 ngày đêm chống quân Pháp.

Lịch sử ghi đậm dấu ấn những năm tháng ấy. Đúng 3 giờ sáng 23/10/1945, lệnh tấn công quân Pháp ở Nha Trang được phát ra bằng một khối thuốc nổ đặt bên hầm xe lửa số 1 ở phường Ngọc Hiệp. Lập tức một loạt các vị trí của quân địch cũng bị quân ta tấn công, như: Khu nhà ga Nha Trang, Nhà đèn (Sở điện lực), Sở thuộc (Viện Pasteur), khu Bình Tân… Những ngày tiếp theo, quân dân Nha Trang – Khánh Hòa đã triển khai xây dựng tuyến trên dọc tuyến đường từ Nha Trang lên Diên Khánh như phòng tuyến Chợ Mới - Bờrôten; Phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng… cầm chân quân Pháp 101 ngày đêm để quân dân cả nước có thời gian xây dựng lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Trong thời gian cuộc chiến đấu 101 ngày đêm của quân dân Nha Trang Khánh Hòa diễn ra, Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch ngày đêm quan tâm theo dõi diễn biến tình hình mặt trận. Để tiếp sức cho Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, cuối năm 1945 Chính phủ cách mạng lâm thời đã giao nhiệm vụ các tỉnh miền Bắc, miền Trung thành lập các đơn vị tình nguyện vào chi viện cho Mặt trận Nha Trang. Ngày 22/12/1945, Bác Hồ gửi thư khen các chiến sĩ mặt trận miền Nam, các chiến sĩ mặt trận Nha Trang: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi các mặt trận miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn. Toàn thể đồng bào noi gương các bạn”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên trái) và luật sư Phan Anh tại đình Xuân Hòa, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa vào đầu năm 1946. (Ảnh tư liệu)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên trái) và luật sư Phan Anh tại đình Xuân Hòa, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa vào đầu năm 1946. (Ảnh tư liệu)

Đầu năm 1946 Bác cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thị sát mặt trận Nha Trang. Chiều 21/1/1946, Đại tướng đến phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng gặp và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ ngay dưới giao thông hào; gặp đồng chí Nguyễn Minh Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Khánh Hòa, cùng với các đồng chí chỉ huy mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Tại đây Đại tướng đã đưa ra một quyết định chiến lược: Thay đổi phương thức tác chiến, theo hướng rút bộ phận chủ lực ra ngoài, chỉ để bộ phận nhỏ tổ chức thành các đơn vị cơ động đánh địch bằng hình thức tập kích, phục kích, tiêu hao sinh lực địch; tổ chức làng xã chiến đấu, tạo nên thế trận lòng dân đánh giặc, chủ động xây dựng căn cứ ở Đồng Trăng để chuẩn bị kháng chiến lâu dài...

Chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, rồi 21 năm đánh Mỹ kiên cường, quân dân Nha Trang Khánh Hòa đã vượt qua biết bao gian khổ, ác liệt, hy sinh cùng quân dân cả nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Xây dựng các căn cứ cách mạng ở Đồng Bò (Nha Trang), Hòn Hèo, Đá Bàn (Ninh Hòa), Hóc Chim (Vạn Ninh), Tô Hạp (Khánh Sơn), Hòn Dù, Hòn Dữ (Khánh Vĩnh).

Năm 1964 - 1965 dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, quân dân hai huyện Ninh Hòa, Diên Khánh đã nổi lên đồng khởi giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Mậu Thân 1968, từ căn cứ Đồng Bò, bộ đội chủ lực của tỉnh Khánh Hòa và TP.Nha Trang đã đánh thẳng vào sào huyệt ngụy quân, nguyền địch tại TP.Nha Trang, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của quân dân cả nước.

Tháng 3/1975, Sư đoàn 10 Quân giải phóng miền Nam, sau khi chiến thắng Buôn Ma Thuột đã hành quân thần tốc về đèo Phượng Hoàng đánh một trận quyết tử, tiêu diệt Lữ đoàn Dù 3, quân lực Việt Nam Cộng hòa tại đèo Phượng Hoàng. Ngày 1/4/1975 Sư đoàn tràn xuống Khánh Hòa. Trưa 2/4/1975 Sư đoàn vào Nha Trang cùng lực lượng tại chỗ giải phóng thị xã thân yêu sau 30 năm kháng chiến.

Xe tăng Sư đoàn 10 Quân giải phóng miền Nam tiến vào giải phóng Nha Trang ngày 2/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Xe tăng Sư đoàn 10 Quân giải phóng miền Nam tiến vào giải phóng Nha Trang ngày 2/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Ơi Nha Trang mùa thu lại về/ Trong nụ cười và trong tiếng hát say mê/ Cờ đỏ tung bay cuộc đời mới/ Buồm căng gió lộng thuyền ra khơi xa/ Biển quê ta rộng mở chân trời...

Nguyễn Xuân

(còn nữa)