Nhật Bản vẫn đang xử lý hậu quả thảm họa sóng thần 13 năm trước

Hôm 11/3, Nhật Bản tưởng niệm 13 năm ngày động đất, sóng thần kinh hoàng khiến hơn 22.000 người thiệt mạng và mất tích, và gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới sau thảm họa Chernobyl năm 1986.
Người dân cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất và sóng thần ngày 11/ 3/2011 ở Otsuchi, tỉnh Iwate, vào ngày Chủ Nhật trước lễ kỷ niệm ngày thứ Hai. (ảnh JIJI – Times Japan)

Người dân cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất và sóng thần ngày 11/ 3/2011 ở Otsuchi, tỉnh Iwate, vào ngày Chủ Nhật trước lễ kỷ niệm ngày thứ Hai. (ảnh JIJI – Times Japan)

Hàng năm, cứ đến ngày 11/3, người dân Nhật Bản đều đồng lòng cúi đầu, dành một phút tưởng niệm tới những nạn nhân của thảm họa kép động đất, sóng thần gây ra lúc 2 giờ 46 phút chiều 11/3/2011. Tất cả mọi người trải qua khoảng thời gian này đều không thể nào quên những tổn thất về vật chất và tinh thần mà chúng để lại.

Theo Japan Times, chính quyền trung ương đã ngừng tổ chức các buổi lễ tưởng niệm ở Tokyo vào năm 2022. Tuy nhiên, chính quyền thành phố ở khu vực bị ảnh hưởng vẫn tổ chức thường niên với quy mô nhỏ hơn và những người tham gia thầm lặng cầu nguyện cho các nạn nhân thảm họa động đất kinh hoàng đó.

Năm nay, Thủ tướng Fumio Kishida tham dự buổi lễ tại tỉnh Fukushima.

Trận động đất kinh hoàng mạnh 9 độ richter đã xảy ra ở đông bắc Nhật Bản lúc 2 giờ 46 phút chiều 11/3/2011 được ghi nhận có cường độ mạnh nhất tại đất nước này tính từ khi thế giới bắt đầu ghi nhận hoạt động địa chấn (năm 1900). Trận động đất đã tạo ra cơn sóng thần cao hơn 40m, di chuyển với tốc độ 700 km/giờ tàn phá khu vực ven biển và nhiều thành phố.

Thảm họa kép động đất sóng thần ảnh hưởng nặng đến vùng đông bắc nói riêng và toàn bộ nước Nhật nói chung về mọi mặt. Nặng nề nhất là 3 tỉnh: Iwate, Fukushima và Miyagi.

Không những vậy, thảm họa kép động đất, sóng thần đã gây ra thảm họa hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Sóng thần đã làm ngập nhà máy, hỏng các hệ thống làm mát và nguồn điện, dẫn đến rò rỉ phóng xạ tại 3 lò phản ứng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) phân loại thảm họa hạt nhân Fukushima ở mức 7 (mức cao nhất), gần như cùng tầm cỡ với thảm họa Chernobyl ở Ukraine vào năm 1986.

Cho đến nay, quá trình phục hồi ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thảm họa từ trận động đất, sóng thần này đã có nhiều tiến triển nhưng vẫn còn phải tiếp tục trong những năm tiếp theo. Tuy vậy, cuộc sống của gần 29.000 người ở những khu vực phải di dời vẫn chưa trở lại bình thường.

Thảm họa thiên nhiên kinh hoàng đã gây ra các vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến chính phủ phải ban hành lệnh sơ tán người dân, đỉnh điểm lên đến 470.000 người để tái thiết hạ tầng. Tại tỉnh Fukushima, hiện vẫn còn 7 khu vực bị cấm đi lại do ảnh hưởng của phóng xạ.

Báo cáo của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật hôm thứ Sáu cho biết, thảm họa kép động đất sóng thần đã khiến gần 15.900 người chết, người vẫn mất tích tính đến cuối tháng Hai. Phần lớn các trường hợp tử vong và mất tích là ở các quận Miyagi, Fukushima và Iwate. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 235 tỷ USD, và trở thành thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo dữ liệu của Cơ quan Tái thiết, số người chết do các nguyên nhân gián tiếp liên quan đến thảm họa, như thương tích và bệnh tật trầm trọng hơn, lên tới 3.802 người, tính đến cuối tháng 12/2023.

Các trung tâm sức khỏe tâm thần được thành lập ở các quận Iwate, Miyagi và Fukushima vẫn tiếp tục nhận hàng chục ngàn cuộc tư vấn cho những người bị ảnh hưởng bởi ba thảm họa. Năm 2012 có 23.914 cuộc tư vấn, năn 2021 đã giảm nhiều nhưng con vẫn đến 17.302 cuộc tư vấn.

Cũng theo Cơ quan Tái thiết, vào tháng 6/2023, Luật đặc biệt sửa đổi về các biện pháp tái thiết Fukushima đã được ban hành, cho phép thành lập khu vực cư trú được chỉ định trong các khu vực khó quay trở lại. Các khu vực được chỉ định nhằm mục đích giúp người dân trở về nhà sớm thông qua việc thực hiện các biện pháp bao gồm công tác khử nhiễm.

Sóng thần càn quét qua tỉnh Miyagi (Nhật) hồi năm 2011. Ảnh: AP

Sóng thần càn quét qua tỉnh Miyagi (Nhật) hồi năm 2011. Ảnh: AP

Cho đến nay, các dự án khu vực cư trú được chỉ định là 4 thị trấn của Fukushima gồm Okuma, Futaba, Namie và Tomioka. 4 khu vực này đã được công nhận và đang nỗ lực hiện thực hóa việc dỡ bỏ lệnh sơ tán.

Một trong những vấn đề đau đầu hiện nay là công tác dọn dẹp chất thải phóng xạ tại nhà máy hạt nhân số 1 Fukushima của Công ty Điện lực Tokyo (Tepco). Việc dọc dẹp khá phức tạp, dự kiến sẽ kéo dài hàng thập kỷ vì vấp phải sự phản đối của nước láng giềng.

Tháng 8 năm ngoái, Tepco bắt đầu xả nước đã qua xử lý có chứa hàm lượng tritium thấp (một chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima) vào đại dương. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định điều này phù hợp với tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

Nhưng Trung Quốc phản đối việc xả nước và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu toàn diện đối với tất cả các sản phẩm thủy sản từ Nhật Bản kể từ khi bắt đầu xả nước. Nga cũng đã hạn chế nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản trong khi Hồng Kông và Macao, cả hai khu vực bán tự trị của Trung Quốc, cũng thực hiện các biện pháp tương tự.

Tháng trước, Tepco bắt đầu xả nước thải lần 4 nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương dù vấp pháp sự phản đối của các nước láng giềng. Nhưng chính phủ Nhật Bản lý giải, đây là bước quan trọng trong việc hướng tới dừng hoạt động nhà máy Fukushima.

Theo công ty, việc xả nước sẽ mất khoảng 30 năm để hoàn thành. Nhiều người trong cộng đồng ngư dân lo ngại về tác động của việc xả nước đến hoạt động của họ./.