Nhiệt độ nước biển tăng tác động tiêu cực đến bạch tuộc

Trong nghiên cứu công bố ngày 5/4 trên ScienceDaily, các nhà nghiên cứu Australia cảnh báo, nhiệt độ nước biển tăng có nguy cơ làm giảm thị lực của bạch tuộc và đe dọa sự tồn tại của loài sinh vật này.
Nhiệt độ nước biển tăng có nguy cơ làm giảm thị lực của bạch tuộc (ảnh minh họa)

Nhiệt độ nước biển tăng có nguy cơ làm giảm thị lực của bạch tuộc (ảnh minh họa)

Nhóm các nhà nghiên cứu do Đại học Adelaide dẫn đầu xác định 2 loại protein có vai trò quan trọng đối với thị giác của bạch tuộc. Trong đó, một loại duy trì độ trong của thủy tinh thể và một loại tái tạo các sắc tố trong các tế bào cảm thụ ánh sáng của mắt.

Tiến sĩ Qiaz Hua, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Trường Khoa học Sinh học thuộc Đại học Adelaide cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy một số protein quan trọng đối với thị lực bị ảnh hưởng bởi áp lực nhiệt. Một trong số đó là protein cấu trúc được tìm thấy rất nhiều trong thấu kính mắt động vật để duy trì độ trong suốt của thấu kính và độ rõ quang học, còn một loại khác chịu trách nhiệm tái tạo sắc tố thị giác trong cơ quan cảm quang của mắt.

Mức độ của cả 2 loại protein này đều giảm đáng kể trong điều kiện dự báo nước biển ấm lên. Điều này cho thấy thị lực của bạch tuộc có thể bị suy giảm dưới áp lực nhiệt”.

Bạch tuộc là loài động vật có thị giác cao, với 70% bộ não bạch tuộc dành riêng cho thị giác - nhiều hơn 20% so với con người. Theo tiến sĩ Qiaz Hua, bạch tuộc sử dụng thị giác để nhận biết chiều sâu, phát hiện sự chuyển động, giao tiếp và phát hiện con mồi và kẻ săn mồi. Việc suy giảm thị lực sẽ ảnh hưởng đến cơ hội sống sót của bạch tuộc trong tự nhiên do nguy cơ bị săn mồi tăng lên cũng như khả năng tìm kiếm thức ăn thành công thấp hơn.

Để đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu, bao gồm các học giả từ Đại học Nam Úc, Đại học California Davis và bộ phận khoa học thủy sản của Viện Nghiên cứu và Phát triển Nam Úc, đã cho phôi Octopus berrima tiếp xúc với các phương pháp xử lý nhiệt độ khác nhau, kiểm soát ở mức 19°C. , 22°C để mô hình hóa nhiệt độ mùa hè hiện tại và 25°C để mô hình hóa nhiệt độ dự kiến vào mùa hè năm 2100.

Tiến sĩ Hua có hay, ngoài tình trạng suy giảm thị lực, nhiệt độ nước biển tăng lên sẽ có tác động tiêu cực đến đàn bạch tuộc bố mẹ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, khi nhiệt độ nước biển nóng lên đã làm giảm tỷ lệ trứng nở. Nghiên cứu mô phỏng 3 lứa bạch tuộc và kết quả cho thấy: 2 lứa không có trứng nở và 1 lứa còn lại chỉ có 50% số trứng nở.

Ngoài ra, khi nhiệt độ nước biển tăng còn có các tác động khác đến bạch tuộc như tốc độ trao đổi chất cao hơn, kích thước giảm khi trưởng thành và thậm chí là sự thay đổi phạm vi phân bố của một số loài.

Bà Qiaz Hua nhấn mạnh, nghiên cứu chứng tỏ ngay cả loài sinh vật có khả năng thích nghi cao như bạch tuộc cũng có thể khó tồn tại trước những thay đổi của đại dương trong tương lai./.