Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Đại dương là nơi sinh sống của 80% sinh vật trên hành tinh và cung cấp chất dinh dưỡng cho hơn 3 tỷ người. Tuy nhiên, hiện nay biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải đại dương, chiếm tỷ lệ lớn trong đó là rác thải nhựa.
Đại dương đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ chính hành động của con người. Ảnh: AFP/Straits Times. |
Ô nhiễm đại dương đang ở mức báo động
Tình trạng chất thải nhựa phát thải vào các đại dương trên thế giới đang ở mức báo động, khiến ô nhiễm biển gia tăng và đang là thách thức toàn cầu, đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp và cần sự nỗ lực chung, không chỉ là hành động của một quốc gia duy nhất.
Cứ mỗi phút trôi qua, các đại dương của chúng ta phải hứng chịu lượng rác thải nhựa tương đương với một chiếc xe tải chở đầy rác. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này và tăng gấp ba vào năm 2040, đe dọa nặng nề đến các hệ sinh thái biển và các ngành công nghiệp như đánh cá và du lịch, an ninh lương thực và cuối cùng là sức khỏe con người trên toàn cầu. Một khi nhựa đã trôi ra đại dương, việc loại bỏ chúng sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Theo một nghiên cứu do tổ chức 5 Gyres Institute (Mỹ) thực hiện, đã công bố ngày vào ngày 8/3. Nghiên cứu nhận định rác thải nhựa đổ ra các đại dương trên thế giới đã tăng lên với số lượng “chưa từng có” kể từ năm 2005.
Tình trạng ô nhiễm nhựa trên đại dương có thể tăng gấp 2,6 lần vào năm 2040 nếu các chính sách ràng buộc về mặt pháp lý trên toàn cầu không được đưa ra.
Ông Paul Harvey, nhà khoa học và chuyên gia về nhựa thuộc Environmental Science Solutions, công ty tư vấn của Australia tập trung vào việc giảm ô nhiễm cho biết, những con số trong nghiên cứu mới này là một hiện tượng đáng kinh ngạc.
Tổ chức môi trường Greenpeace cho biết nếu không có một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ, lượng nhựa có thể tăng gấp đôi trong vòng 10 đến 15 năm tới và tăng gấp ba lần vào năm 2050.
Theo các nhà khoa học, việc bảo vệ biển khơi cũng là bảo vệ sự đa dạng sinh học biển, vốn đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra oxy cũng như hấp thụ carbon dioxide, góp phần bảo vệ môi trường.
Thực tế hiện nay cho thấy biển và đại dương đang đối mặt các nguy cơ từ ô nhiễm môi trường, hiện tượng Trái đất ấm lên và tình trạng đánh bắt quá mức.
Và chuyên gia hàng đầu hiến kế
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về môi trường, GS Kenneth Leung - chuyên gia hàng đầu về độc chất học, hóa học môi trường, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về ô nhiễm biển, Đại học Hong Kong, Trung Quốc cho biết các vấn đề ô nhiễm ngày càng trở thành thách thức khó giải quyết với nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện tượng phú dưỡng, do xả quá nhiều chất dinh dưỡng vào đại dương và đường thủy, là mối đe dọa rất lớn.
Những chất dinh dưỡng dư thừa này kích thích sự phát triển của vi tảo, dẫn đến sự bùng nổ của tảo biển có hại. Dù nhiều loại tảo không độc hại, nhưng quá trình hô hấp của chúng tiêu thụ oxy và quá trình phân hủy làm giảm nồng độ oxy, dẫn đến tình trạng thiếu oxy (nồng độ oxy dưới 2 miligam/lít). Điều này có thể làm sinh vật biển chết ngạt, gây thiệt hại tài chính đáng kể do ảnh hưởng đến nghề cá, du lịch.
Theo GS Kenneth Leung, việc bảo vệ mọi tuyến đường thủy, cửa sông, đại dương là điều rất quan trọng trên toàn thế giới vì cửa sông sạch sẽ giúp đại dương sạch hơn và an toàn hơn cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội và trình độ phát triển công nghệ khác nhau, dẫn đến nguồn lực khác nhau cho xử lý nước thải, quản lý chất thải, giám sát.
Hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát, ngăn ô nhiễm đại dương, ông và các cộng sự tích cực phát triển các phương pháp kiểm tra các hóa chất và chất ô nhiễm mới trên biển, cửa sông. Qua các nghiên cứu ông nhận thấy hàm lượng lớn chất độc hại trong nước sông, nước biển đến từ thuốc kháng sinh, các loại thuốc điều trị bệnh.
Từ những nghiên cứu trên, GS Kenneth Leung và cộng sự thiết lập các chương trình thu gom bắt buộc với thuốc hết hạn hoặc không sử dụng, ngăn chúng xâm nhập vào hệ thống nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Ngoài ra, với việc gia tăng dân số và sử dụng hóa chất, việc xây dựng một nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng xanh như xử lý nước thải là rất quan trọng. Sự phát triển trong tương lai của các hệ thống tài chính xanh trên toàn cầu có thể khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, cuối cùng là cải thiện điều kiện môi trường ở các quốc gia đang phát triển. Đây là một con đường đầy hứa hẹn phía trước.
Hơn nữa, thật đáng khích lệ khi các ngành công nghiệp chủ động giải quyết vấn đề bằng cách phát triển hóa học “xanh” hơn, chẳng hạn như hóa chất có tuổi thọ môi trường ngắn hơn và tác hại lâu dài ở mức tối thiểu.
Trên thế giới, đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, từ việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đến các dự án truyền thông, thu gom, xử lý rác thải nhựa cụ thể với sự tham gia sâu rộng của các tổ chức quốc tế, chính phủ, phi chính phủ, khối tư nhân.
Ngày 19/6/2023, các nước thành viên của Liên Hợp Quốc đã thông qua hiệp ước đầu tiên để bảo vệ các vùng biển quốc tế sau gần 20 năm thảo luận và đàm phán. Hiệp ước sẽ tạo ra một cơ quan mới để quản lý việc bảo tồn sự sống ở đại dương và thiết lập các khu bảo tồn biển ở vùng biển quốc tế. Hiệp ước cũng đặt ra các quy tắc cơ bản để đánh giá tác động môi trường của các hoạt động thương mại trên đại dương. Ngoài ra, hiệp ước cũng thiết lập các nguyên tắc chia sẻ “nguồn gen biển” do các nhà khoa học phát hiện ở vùng biển quốc tế.
Nhìn chung, để giải quyết tình trạng ô nhiễm đại dương vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết và rất cần sự chung tay của nhiều quốc gia, quy chuẩn chung về xử lý các chất xả thải từ nhà máy, khu dân cư.
Theo chuyên gia Kenneth Leung, Việt Nam đang phấn đấu cho những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, điều này có thể giúp việc xử lý nước thải tiết kiệm chi phí hơn và phát triển các hóa chất thân thiện với môi trường có thể sử dụng hàng ngày.