NSND Vũ Thị Kim Dung: "Tiếng Thơ" trong lòng nhân dân

NSND Vũ Thị Kim Dung có mặt trong danh sách đầu tiên gồm 77 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND. Với tuổi 80, bà đã được công chúng công nhận là “Nghệ sĩ của nhân dân” từ rất lâu rồi.
NSND Vũ Thị Kim Dung tặng lại bộ CD ngâm Kiều cho Đài TNVN ( người tiếp nhận: ông Vũ Hải, Nguyên Phó TGĐ Đài TNVN).NSND Vũ Thị Kim Dung tặng lại bộ CD ngâm Kiều cho Đài TNVN ( người tiếp nhận: ông Vũ Hải, Nguyên Phó TGĐ Đài TNVN).

Tiếng thơ phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến giành độc lập dân tộc

Từng là giọng ngâm thơ giàu cảm xúc trong buổi phát thanh "Binh vận" thời chiến tranh, nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung đã làm mềm nhiều con tim, khiến nhiều binh lính chế độ Sài Gòn quay súng trở về với nhân dân.

Bà cũng là người đem những vần thơ của Bác đi biểu diễn khắp mọi miền Tổ quốc, và vươn ra cả nước ngoài. Điều đáng nói nhất là trên hành trình đi diễn phục vụ công chúng ở khắp những cung đường hiểm trở, bà đã không nề hà hòa mình vào đời sống lao động của mọi tầng lớp nhân dân. Khi thì cô văn công Kim Dung giúp dân nấu cơm, gánh nước, tắm cho trẻ nhỏ. Khi thì nghệ sĩ xắn quần cao lên gối để lội bùn cùng các anh chị em đẩy xe của đoàn công tác bị sa lầy. Cứu được xe xong, nghệ sĩ lại cất cao giọng ngâm thơ phục vụ các công nhân đang làm đường:

“Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,

Phu đường vất vả lắm ai ơi!

Ngựa xe, hành khách thường qua lại,

Biết cảm ơn anh được mấy người?”

(Hồ Chủ Tịch)

Nghe nghệ sĩ ngâm thơ của vị Chủ tịch cao quí viết về những người cần lao đầy xúc động, các chị công nhân làm đường đã ôm lấy nghệ sĩ khóc và cảm ơn, rồi chia tay lưu luyến. Đó là một trong những kỷ niệm đầy ân tình mà nghệ sĩ đã lưu giữ, cũng như tự nhủ với lòng sẽ đem hết sức lực, tài năng để phục vụ nhân dân.

NSND Vũ Thị Kim Dung trong một chương trình diễn Thơ.

NSND Vũ Thị Kim Dung trong một chương trình diễn Thơ.

Sinh năm Ất Dậu 1945, lúc 16 tuổi, khi Đoàn cải lương Trung Ương đi lưu diễn và tuyển người tại Nam Định, Kim Dung đã giấu cha mẹ dự tuyển và chính thức được tuyển chọn vào đoàn. Rồi sau rất nhiều thăng trầm của nghiệp ca hát, từ năm 1968, nghệ sĩ Kim Dung bắt đầu cộng tác với buổi Tiếng Thơ của Đài Tiếng Nói Việt Nam, trở thành một giọng ngâm thơ bản sắc bên cạnh giọng ngâm Trần Thị Tuyết, Châu Loan, Linh Nhâm, Kim Cúc.

Nghệ sĩ Kim Dung còn trực tiếp cùng các nghệ sĩ khác tham gia các chương trình hát, ca cải lương, ngâm thơ tại chiến tuyến Vĩnh Linh ác liệt, vừa phục vụ nhân dân ta chống Mỹ, vừa "binh vận" kêu gọi binh lính chế độ Sài Gòn buông súng quay về với đồng bào.

Những năm tháng dưới khói bom của giặc Mỹ, NS Kim Dung đã nhiều lần thu thanh các tác phẩm thơ trong tình trạng luôn bị ngắt quãng: còi báo động thì xuống hầm trú ẩn, còi báo yên lại lên phòng thu diễn tiếp và phải lên xuống nhiều lần mới hoàn thành tác phẩm. Có những lần nghệ sĩ phải đạp xe từ nơi sơ tán, qua nhiều hiểm nguy của bom đạn Mỹ về Đài để thực hiện nhiệm vụ thu thanh.

NSND Vũ Thị Kim Dung tặng bức tranh chữ cho Trưởng Ban Văn Nghệ Đài Tiếng Nói Việt Nam Trần Nhật Minh.NSND Vũ Thị Kim Dung tặng bức tranh chữ cho Trưởng Ban Văn Nghệ Đài Tiếng Nói Việt Nam Trần Nhật Minh.

Nghệ sĩ có nhiều sáng tạo trong cách thể hiện ngâm thơ

Trong quá trình lao động nghệ thuật, NS Kim Dung không rập khuôn theo cách ngâm thơ của lớp trước, mà luôn tìm tòi sáng tạo đưa âm hưởng các làn điệu dân ca cổ truyền vào từng câu thơ, làm cho nghệ thuật ngâm thơ có thêm những nhân tố mới: đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, gây được ấn tượng mạnh mẽ hơn cho người nghe.

Nghệ sĩ Kim Dung luôn dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và tìm được những làn điệu đặc trưng, phù hợp để áp dụng vào ngâm thơ, song không áp dụng máy móc mà điều quan trọng là phải bám sát nội dung của mỗi bài thơ để lột tả được hết ý nghĩa của từng câu thơ chuyển tải tới công chúng. Đặc biệt bà nghiên cứu cách thể hiện thơ Bác Hồ để thu thanh và biểu diễn phục vụ công chúng. Thơ của Bác Hồ thường là thể thơ “thất ngôn tứ tuyệt” ngắn gọn với nội dung giáo dục cao. Nghệ sĩ đã nghiên cứu kỹ, chọn các giai điệu phù hợp với từng bài thơ, làm cho người nghe hoà vào hơi thở lạc quan trong thơ Bác, cảm nhận được ý tưởng sâu sắc trong thơ mà không cảm thấy bài thơ quá ngắn.

NSND Vũ Thị Kim Dung trong một chương trình ngâm thơ từ thiện.NSND Vũ Thị Kim Dung trong một chương trình ngâm thơ từ thiện.

Có lẽ bởi cả cuộc đời gắn chặt với những vần thơ của Bác nên thơ của Người dường như cũng đã ngấm vào tư tưởng lẫn lối sống của nghệ sĩ Kim Dung. Nghệ sĩ vẫn luôn nặng lòng với nghệ thuật ngâm thơ và các hoạt động mang tính cộng đồng. Bà tham gia Chi hội Chữ Thập đỏ, Chi hội Tán trợ Thăng Long giúp đỡ trẻ em nghèo, cơ nhỡ, khó khăn. Ngâm thơ đối với bà vẫn luôn là niềm say mê vô tận. Nếu ngày xưa ngâm thơ để khơi dậy lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc, thì ngày nay bà mong muốn “Tiếng Thơ” của bà sẽ góp phần khơi gợi lòng thơm thảo, trắc ẩn trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người.

Với nghệ thuật, nghệ sĩ Kim Dung luôn tìm tòi, sáng tạo, như trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, bên cạnh ngâm “Kiều Xuân” (tức là điệu lẩy Kiều giọng tươi vui), riêng nghệ sĩ Kim Dung đã sáng tạo ngâm “Kiều Oán” (tức là điệu lẩy Kiều giọng ai oán) cho đoạn Thúy Kiều trao duyên cho em gái Thúy Vân… đã gây xúc động mạnh đối với người nghe. Giáo sư Đặng Thanh Lê rất tâm đắc, đã mời nghệ sĩ Kim Dung đến Khoa Văn - Đại học Sư phạm để minh họa trích giảng “Truyện Kiều” và cùng Giáo sư đi nói chuyện, minh họa Truyện Kiều ở nhiều nơi. Đối với những bài thơ dài, nghệ sĩ Kim Dung luôn tìm cách đan xen hài hòa các làn điệu, thay đổi tiết tấu, nên mặc dù bài thơ rất dài mà người nghe vẫn say sưa theo dõi, cảm thụ được đầy đủ ý thơ mà không thấy nhàm chán…

Không chỉ dành tâm huyết cho nghệ thuật ngâm thơ, nghệ sĩ Kim Dung đã sớm “cảm” nghệ thuật ca trù, quyết tâm học cho thành tài với loại hình nghệ thuật mang tính bác học này, dù biết đó là con đường nhọc nhằn, chông gai. Từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, NS Kim Dung đã dành 10 năm dùi mài đèn sách, tập luyện nghệ thuật ca trù từ hai người thầy hàng đầu là NSND Quách Thị Hồ và NSƯT Nguyễn Thị Phúc. Quá trình học gian nan vất vả từ kỹ thuật nảy hạt, nhả chữ sao cho chuẩn, tay phách sao cho giòn… Nhưng rồi, vượt qua những nhọc nhằn ấy, nghệ sĩ đã thành công, xứng đáng là học trò ưu tú, làm thầy hài lòng và yên tâm là ca trù đã “không mất giống”.

Nghệ sĩ Kim Dung đã nhận được sự đồng hành, chia sẻ của người chồng yêu thương. Tuy không làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, song vì muốn hỗ trợ vợ mà ông Trịnh Tuấn Khải (lúc sinh thời) đã đi học đàn Đáy và trống Chầu để cùng phu nhân tạo dựng một sân khấu ca trù của gia đình. Trong nhiều năm, gia đình nghệ thuật của NSND Kim Dung đã chiếm được sự yêu mến của khán thính giả trong nước và quốc tế.

NS Kim Dung cũng đã thu thanh phát sóng và biểu diễn rất nhiều tác phẩm ca trù được khán, thính giả mến mộ như: các tác phẩm của Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Xuân Thủy, Lã Hùng Đàm, Chu Hà, Ngô Linh Ngọc v.v… Sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của nghệ sĩ đã được ghi nhận xứng đáng với hai giải thưởng lớn: Hai Huy Chương Vàng trong Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1985 cho hai tiết mục: Ngâm thơ bài “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy” và Hát ca trù bài “Xuân không tuổi” của nhà thơ Xuân Thủy. Ghi nhận thành tích và sự tận tụy cống hiến, ngày 14/1/1993, nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung của Đài Tiếng Nói Việt Nam đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do Chủ Tịch nước Lê Đức Anh ký.

NSND Vũ Kim Dung gõ phách hát Ca trù.NSND Vũ Kim Dung gõ phách hát Ca trù.

Về nghỉ hưu vẫn tiếp tục cống hiến

Về hưu năm 2000, song hơn 20 năm qua NSUT Vũ Thị Kim Dung vẫn không ngừng hoạt động nghệ thuật, từ việc giúp các chị em phụ nữ phường, quận nơi nghệ sĩ cư trú luyện tập cho các hội diễn đến việc tổ chức các chuyến đi biểu diễn từ thiện trong nước. Một thời gian sang sống cùng con tại Cộng hoà Séc (gia đình nghệ sĩ Thu Hương), nghệ sĩ lại xây dựng nhiều chương trình phục vụ cộng đồng người Việt tại các nước Đông Âu, Tây Âu, tổ chức biểu diễn và đào tạo cho lớp trẻ người Việt ở nước ngoài cả về tiếng Việt, cả về nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là Ca trù, Chầu văn, Quan họ. Nhưng dù đi đâu, ở đâu nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung vẫn luôn hướng lòng mình về thủ đô yêu dấu, nơi có Đài Tiếng Nói Việt Nam- ngôi nhà thứ hai nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, cũng là mảnh đất để nghệ sĩ cống hiến và thể hiện lòng đam mê đối với môn nghệ thuật dân tộc. Năm 2010, nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung thực hiện một vệt chương trình dạy ngâm thơ trên buổi phát thanh “Câu lạc bộ dành cho người cao tuổi”, được đông đảo khán giả yêu thơ theo dõi. Năm 2014, bà Hà Thị Khiết, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã trao Huy chương vì sự nghiệp dân vận cho nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung.

Vào dịp Đài Tiếng Nói Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung trao tặng lại cho Đài tất cả những tài sản nghệ thuật quí giá nhất, đó là bộ băng đĩa ngâm Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du với 3.254 câu lục bát, các bài hát ru và một số CD khác… mà trong quãng đời hoạt động nghệ thuật nghệ sĩ đã thu thanh, lưu giữ nhằm phục vụ thính giả. Trong dịp kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại Thi hào Nguyễn Du, nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung đã tặng hai bản ngâm Kiều cho Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục nhân bản phục vụ miễn phí cho tất cả những ai yêu Truyện Kiều - Nguyễn Du. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã cho sao đĩa để lưu trữ tại các thư viện của 63 tỉnh thành trong cả nước.

NSND Vũ Thị Kim Dung cùng các BTV VOV2 trong chương trình đón xuân Canh Tý 2020.NSND Vũ Thị Kim Dung cùng các BTV VOV2 trong chương trình đón xuân Canh Tý 2020.

Năm 2020, tham gia chương trình đặc biệt đón xuân Canh Tý chủ đề "Hương sắc Việt Nam - Mạch nguồn năm tháng" của Ban Văn hóa VOV2 Đài Tiếng Nói Việt Nam, nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung tiếp tục chinh phục khán giả với phần khách mời phòng thu và khách mời hiện trường ngay tại quê hương Nam Định. Lời thơ, tiếng hát ca trù của bà lại tiếp tục bay bổng, mang sức sống, khát vọng cống hiến không ngừng.

Mấy năm qua, vượt lên bệnh tật và dịch giã, nghệ sĩ Kim Dung vẫn tiếp tục cống hiến cho công chúng trong và ngoài nước mỗi khi có cơ hội. Sự miệt mài ấy đã được khán thính giả ghi nhận. Ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Tổng biên tập VietNamNet chia sẻ: “Những năm tôi là sinh viên Đại học Đà Lạt, tôi thường mong ngóng để nghe giọng thơ NS Kim Dung từ chiếc radio duy nhất của ký túc xá. Đó là một giọng ngâm mượt mà, tinh tế, xúc cảm, đã theo tôi suốt hành trình từ học sinh phổ thông, đến sinh viên và những năm công tác sau này. Tôi nhớ những bài thơ “Mưa Xuân”, “Cô hái mơ” của Nguyễn Bính, hay thơ cách mạng như “Quê Hương” của Giang Nam, “Ta đi tới” của Tố Hữu, rồi cả thơ thiếu nhi như “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa… đều được nghệ sĩ thể hiện đầy sáng tạo, thổi vào tâm hồn người nghe những âm hưởng dân ca và hồn thơ đầy tinh tế của các tác giả. Nghe tin nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, tôi vô cùng mừng và thấy quá xứng đáng. Xin chúc mừng nghệ sĩ Kim Dung!”.

Anh Vũ Tiến Tùng ở CH Séc bày tỏ: “Tôi là một fan hâm mộ giọng ngâm thơ của nghệ sĩ Kim Dung từ những ngày còn ở Việt Nam. Tôi còn nhớ, sau bữa cơm chiều cả nhà ngồi quây quần chờ giờ phát song của Đài TNVN vào tối thứ tư và chủ nhật hàng tuần để nghe giọng truyền cảm, ấm áp của nghệ sĩ Kim Dung. Và bây giờ, sau 35 năm sống ở nước ngoài, rất vinh dự được nhiều lần xem nghệ sĩ Kim Dung cống hiến cho cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Séc cũng như các bạn người bản xứ. Tôi thấy bà cũng như cả gia đình bà đã cống hiến rất nhiều cho nghệ thuật, thực sự từ lâu bà đã là nghệ sĩ trong lòng nhân dân…”.

NSND Vũ Thị Kim Dung cùng các đồng nghiệp Ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV6).NSND Vũ Thị Kim Dung cùng các đồng nghiệp Ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV6).

Bác sĩ Vân Anh, một kiều bào khác kể: “Tôi đã lớn lên với giọng ngâm thơ và lời ru ngọt ngào của nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung trên Đài Tiếng Nói Việt Nam. Ngày đấy tôi thích nghe tiết mục “Tiếng Thơ” hay là “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền”, mê lắm! Trải qua mấy chục năm, lúc sống ở trong nước, khi ở nước ngoài, tôi vẫn bồi hồi khi mở YouTube nghe giọng của cô. Mong rằng giọng ngâm của cô tiếp tục tỏa sáng, nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ…”.

Chị Nguyễn Thúy Ngần PCT Hội LHPN Châu Âu nhận định: “Nhắc đến nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung thì phải nhắc đến một nghệ sĩ có giọng trời phú khiến thính giả khó quên ngay từ lần nghe đầu tiên. Từ nhỏ tôi rất mê nghe nghệ sĩ Kim Dung diễn ngâm. Thật may mắn năm 2002 nghệ sĩ Kim Dung sang Cộng hòa Séc sinh sống cùng con thì tôi mới được gặp bà. Nơi đây bà đã cống hiến cho bà con cộng đồng châu Âu rất nhiều. Qua tiếng thơ của bà, người dân xa quê như được sống trên chính quê hương của mình. Bà đã sống hết mình cho nghệ thuật, giành thời gian truyền lại những tinh hoa nghệ thuật cho con cháu, cho các thế hệ học trò. Tôi cũng như bà con cộng đồng châu Âu rất ngưỡng mộ gia đình nghệ sĩ của bà…”.

Lời giới thiệu của trang SƠN HƯƠNG MUSIC AND FRIENDS để NS Kim Dung hướng dẫn ngâm thơ tại Cộng hòa Séc.Lời giới thiệu của trang SƠN HƯƠNG MUSIC AND FRIENDS để NS Kim Dung hướng dẫn ngâm thơ tại Cộng hòa Séc.

Còn nhà báo Trần Thị Thu Hằng, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, nhận xét: “NSND Vũ Thị Kim Dung từ lâu đã tình nguyện làm một Đại sứ Văn hóa ở trong nước và quốc tế, bởi đi đâu “Tiếng Thơ” của bà vẫn truyền tải đầy đủ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và bản sắc văn hóa Việt Nam”.

Quả nhiên, sự cống hiến không ngừng nghỉ của NSND Vũ Thị Kim Dung đã được đền đáp xứng đáng bằng lòng ngưỡng mộ, yêu mến của công chúng. Tròn 30 năm được phong NSUT, bà được phong NSND vào năm 2023, nhưng từ lâu, bà đã là nghệ sĩ của nhân dân./.