Luật Nhà giáo là dự án mới, khó
Chiều 17/5, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo. Đây là tọa đàm đầu tiên với cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo.
|
Chủ trì Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, Dự án Luật Nhà giáo là luật khó, phạm vi lớn, tác động đến nhiều chính sách và liên quan đến nhiều văn bản mà các bộ, ngành đã ban hành. Trước đó, Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các thành phần khác.
Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo lấy ý kiến của dư luận xã hội, qua đó nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội. Quan trọng hơn là, bảo đảm luật sẽ đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả trong thực tiễn.
Luật Nhà giáo là dự án mới, khó nên càng cần phát huy trí tuệ của Nhân dân, tầng lớp xã hội để dự án được hoàn thiện, đáp ứng mong mỏi của khoảng 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước, sẽ trở thành bước đột phá và mang lại ý nghĩa động viên to lớn với hàng triệu nhà giáo trong cả nước.
Với trọng trách được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT nhận thức rõ đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là cơ hội để những những trăn trở, mong mỏi về nghề nghiệp nhà giáo sẽ được giải quyết trên một nền tảng vững chắc, đó là Luật.
Trong năm 2023, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp để phục vụ phân tích, đánh giá để phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Bộ GD&ĐT xác định việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn từ 2021-2025. Vì vậy, việc chuẩn bị đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật.
Thông tin tại Tọa đàm, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, có 5 chính sách và 6 điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Theo đó, 5 chính sách đã được được thiết kế trong Dự thảo Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo đảm bảo xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.
Theo quy tắc xây dựng tiền lương mới, tiền lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Riêng ngành giáo dục sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất. Theo quy định, tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ, trong trường hợp thấp hơn, nhà giáo sẽ được bảo lưu mức cũ.
Luật Nhà giáo quy định về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh và bảo vệ nhà giáo nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo...
Đối với chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất các chế tài để đảm bảo tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải đảm bảo không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.