Đại học vùng sẽ giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Dự thảo báo cáo đánh giá thực trạng mạng lưới hiện nay, tuy nhiên nội dung về cơ quan quản lý trực tiếp hay bộ chủ quản không nằm trong phạm vi nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Theo Thứ Trưởng Hoàng Minh Sơn, Dự thảo Qui hoạch mạng lưới đại học là "sáp nhập hoặc giải thể các trường đại học hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng". Cụ thể, số cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm công lập giảm ít nhất 20% so với năm 2021, không còn cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn.
Đại học vùng có vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho vùng |
Về định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, chúng tôi xác định củng cố, sắp xếp những trường đại học không đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo các phương án: tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3-5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học có uy tín và cuối cùng là đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.
Số lượng trường đại học giảm nhẹ nhưng sẽ có thêm các đại học quốc gia và đại học vùng. Tuy nhiên, cơ cấu đại học trọng điểm ngành, đại học vùng ở các khu vực chưa đồng đều, tập trung nhiều ở Đồng bằng sông Hồng, tạo ra nhiều ý kiến trái chiều
Việc quy hoạch các cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia phải bảo đảm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, nhất là định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các đại học, trường đại học lớn trong các nghị quyết phát triển vùng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đã xác định rõ chính sách của Nhà nước: "Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước".
Theo dự thảo, đại học vùng có vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho vùng. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng kinh tế phát triển mạnh, cùng với tiểu vùng Trung Trung Bộ đang có hoặc được quy hoạch các đại học quốc gia (với quy mô đào tạo tương đương nhau ở ba vùng này), nên không quy hoạch các đại học vùng.
Như vậy, bên cạnh Đại học Thái Nguyên tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, dự thảo chỉ đề xuất bổ sung bốn đại học tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, phân bố khá đồng đều theo vùng miền. Riêng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có chiều dài rất lớn nên dự thảo quy hoạch có đề xuất hai đại học vùng tại Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Tiêu chí quy hoạch trường trọng điểm
Mỗi lĩnh vực, ngành trọng điểm chỉ quy hoạch từ 1-2 cơ sở giáo dục đại học. Như vậy, tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn quy hoạch cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia là năng lực đội ngũ giảng viên, tiềm lực cơ sở vật chất, thành tích đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực, ngành đào tạo trọng điểm theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể quốc gia, sau đó mới cân nhắc yếu tố phân bố vùng miền.
Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm đứng đầu về nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao ở hai đầu đất nước, do vậy hầu hết cơ sở giáo dục đại học được đề xuất quy hoạch trọng điểm ngành quốc gia đều nằm ở hai thành phố này.
Tuy vậy, nếu xem xét kỹ thì phần lớn các lĩnh vực, ngành trọng điểm đều đã có sự phân bố tương đối hài hòa theo vùng miền, hoặc nằm trong cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia, hoặc nằm trong các đại học quốc gia và đại học vùng (cũng như phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học)./.