Khu vực mặt bằng đang được chuẩn bị để triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác |
Phần công nghệ triển khai tai dự án, chủ đầu tư sử dụng công nghệ lò ghi Martin SITY2000 được nghiên cứu, sản xuất và chế tạo theo công nghệ của Tập đoàn Martin (Đức). Công nghệ này được Martin chuyển giao cho Công ty TNHH Công nghiệp Môi trường Sanfeng Covanta Trùng Khánh (Liên danh Convanta của Mỹ và Sanfeng của Trung Quốc) vào năm 2000.
Đây là công nghệ đốt rác phát điện nhập khẩu đầu tiên của Trung Quốc từ nước ngoài. Công nghệ này đã áp dụng cho hơn 200 công trình, hơn 350 bộ lò đốt rác. Sanfeng Covanta đã thực hiện 46 dự án EPC từ chất thải thành năng lượng, bao gồm dự án EPC Ma Cao (một nhà máy điện từ chất thải thành năng lượng được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ).
Công nghệ lò đốt ghi cơ học kiểu Martin (ảnh nhà đầu tư) |
Theo ông Nguyễn Hà, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Amaccao - chủ đầu tư dự án, công nghệ lò đốt ghi cơ học kiểu Martin (Đức) có hiệu quả cao và rất thích hợp để xử lý chất thải rắn đô thị với thành phần phức tạp, độ ẩm cao và nhiệt trị thấp mà không cần phân loại.
Dự kiến dự án sẽ khơi công xây dựng vào quý III/ 2024 và sẽ đi vào vận hành khai thác vào quý III/2026. Quy mô dự án gồm nhà máy xử lý đốt chất thải rắn với công suất 650 tấn/ngày đêm, phân loại và đốt chất thải công nghiệp thông thường công suất 350 tấn/ngày, sản xuất 7.068 lít dầu PO thành phẩm mỗi ngày…; công suất phát điện 18 MW.
Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, hợp đồng ký dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt giữa thành phố và nhà đầu tư rất quan trọng để thực hiện dự án. Thành phố đã có quyết định thành lập tổ công tác để làm việc với nhà đầu tư về nội dung này. Kỳ vọng hợp đồng sẽ được ký kết vào tháng 3/2024 để đảm bảo thi công dự án đúng yêu cầu.
Ông Hà cho biết, đến nay, dự án đã hoàn thành việc xin ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư cho đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và báo cáo đánh giá tác động môi trường; trình Sở Xây dựng thẩm định đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án đã hoàn thành thủ tục thẩm định và cho ý kiến về công nghệ dự án và tháng 11/2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã có văn bản đồng ý về công nghệ; đã hoàn thành xin thủ tục xin thỏa thuận chiều cao thi công, và đã nhận được chấp thuận từ tháng 10/2023.
Theo ông Nguyễn Hà, thủ tục đầu tư của các dự án điện rác là thủ tục khó, nhiều vướng mắc do điện rác là loại hình dự án mới ở Việt Nam. Hiện mới có một số nhà máy điện rác ở Hà Nội, Cần Thơ, Huế, Bắc Ninh. Vì vậy, không có địa phương nào có kinh nghiệm trong loại hình dự án này, nên nhiều dự án gặp khó về thủ tục.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong, hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 mặc dù thủ tục chưa đủ còn thiếu hạng mục phòng cháy chữa cháy, nhưng Sở Xây dựng đã linh hoạt nhận hồ sơ vào thẩm định các hạng mục khác song song trước. Trong quá trình đó, khi chủ đầu tư nộp thủ tục hồ sơ phòng cháy chữa cháy vào, trong vòng 1 tuần Sở Xây dựng sẽ tham mưu thẩm định đồ án.
Ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, thành phố hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Khánh Sơn. Hiện vướng nhất của dự án cơ bản đã giải quyết xong. Đối với việc đàm phán, ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rác chỉ liên quan đến việc đi vay vốn của doanh nghiệp.
“Thành phố đã tạo điều kiện, kể cả những nội dung mang tính quy hoạch, mạnh dạn giao đất cho doanh nghiệp. Một số thủ tục chưa đầy đủ, các Sở, ngành cũng cũng hỗ trợ thực hiện thủ tục song song cho doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Lê Quang Nam cho hay và đề nghị nhà đầu tư sẽ thực hiện dự án đúng tiến độ bao gồm khởi công cũng như hoàn thành, đưa dự án đi vào hoạt động.