Dung nham lạnh là hỗn hợp của các vật chất núi lửa, cùng với đá cuội, chảy xuống từ sườn núi lửa khi có mưa.
Tại Indonesia, những ngày gần đây, mưa lớn xối xả đã gây ra các trận lụt, cuốn theo bùn đất và dung nham lạnh trên sườn núi lửa Marapi tràn xuống các địa phương bên dưới chân núi, gây thiệt hại nặng về người và của.
Theo người phát ngôn Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Abdul Muhari, lũ lụt đã cuốn trôi người dân và nhấn chìm hơn 100 ngôi nhà và tòa nhà. Và tính tới chiều 15-5, người đứng đầu cơ quan thảm họa Indonesia cho biết đã có tổng cộng 67 người chết và hàng chục người vẫn đang mất tích sau vụ lũ quét (cuốn theo dung nham lạnh).
Theo kênh Channel News Asia, mưa xối xả từ ngày 11-5 đã gây ra lũ quét cuốn trôi hàng tấn bùn đất và dung nham lạnh tích tụ trên sườn núi lửa Marapi (tỉnh Sumantra, Indonesia) xuống các thung lũng và sông bên dưới núi.
Lũ lụt đã ảnh hưởng đến gần như toàn bộ 20 con sông có đầu nguồn trên núi Marapi, mạnh đến mức đánh sập các cây cầu, cắt đứt đường sá và chôn vùi đất nông nghiệp cũng như các khu dân cư dưới lớp bùn dày dưới chân núi. Những con đường đã biến thành dòng sông màu nâu đục...
![]() |
Nhà cửa bị ảnh hưởng nặng nề khi lũ quét cuốn theo dung nham lạnh xuống các địa phương dưới chân núi Marapi. Ảnh: REUTERS |
Phát ngôn viên Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) - ông Abdul Muhari cho biết nạn phá rừng trên núi Marapi cũng như dọc theo bờ sông cũng góp phần làm cho thảm họa trở nên nghiêm trọng hơn.
Các chuyên gia cho rằng những trường hợp thiệt mạng do dung nham lạnh và lũ quét từ trên núi Merapi của Indonesia có thể tránh được, đồng thời kêu gọi người dân sống trên sườn ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra này chuẩn bị để ứng phó tốt hơn trước các thảm họa thiên nhiên.
Ông Hendra Gunawan, Giám đốc Trung tâm Giảm thiểu nguy cơ núi lửa và địa chất Indonesia, cảnh báo núi lửa hiện vẫn được đặt ở mức báo động cao thứ 2 và mọi hoạt động trong bán kính 5 km kể từ miệng núi lửa đều bị cấm.