Thị trường tín chỉ carbon đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của WB.

Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng.

Thị trường tín chỉ carbon vận hành có các bên mua, bán và các tổ chức trung gian. Bên bán, có thể là mọi tổ chức nếu hoạt động phát thải carbon trong toàn bộ hoạt động (chuỗi cung ứng, kinh doanh trực tiếp, chuỗi phân phối) có tổng mức phát thải ròng CO2 âm. Họ có thể là người thực hiện các dự án trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái, doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo, công ty sản xuất xe điện…

Ngược lại, bên mua là các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 dương, có thể là công ty sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc… Bên mua buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.

Ở giữa người mua và người bán, có các đối tác trung gian là các đơn vị tư vấn, đơn vị kiểm toán, các nhà môi giới trung gian chia theo nhiều cấp độ.

Bán tín chỉ các bon rừng, Việt Nam có thể thu về hàng chục tỉ đồng

Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng mỗi năm có thể bán cho cho thị trường tín chỉ carbon thế giới. Nếu làm tốt, trong tương lai Việt Nam có thể thu về hàng chục nghìn tỷ đồng.

Thị trường tín chỉ carbon đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Thị trường tín chỉ carbon đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Theo báo cáo về thị trường tín chỉ carbon rừng của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được Thủ tướng giao triển khai 2 thỏa thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải.

Thỏa thuận về chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022-2026, đang được Bộ đàm phán với Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent).

Emergent là cơ quan nhận ủy thác của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF). Ngày 31/10/2021, tại COP26 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan ký kết Ý định thư với Emergent dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng vùng này với giá tối thiểu 10 USD một tấn CO2, tương đương tổng giá trị là 51,5 triệu USD (1.277 tỷ đồng).

Bộ đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES. Đồng thời, khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Năm ngoái, thỏa thuận đầu tiên về chi trả giảm phát thải khí nhà kính Bắc Trung Bộ (ERPA Bắc Trung Bộ) đã được Bộ chuyển nhượng thành công cho Ngân hàng Thế giới (WB) với sản lượng 10,3 triệu tấn CO2. Giá mỗi tấn CO2 được chi trả là 5 USD một tấn.

Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 trên, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 giai đoạn 2018-2019. Bộ đề xuất chuyển thêm 1 triệu tấn CO2 cho WB. Số còn lại, Bộ này muốn Thủ tướng đề xuất WB giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức ERPA đã ký, hoặc hỗ trợ Việt Nam kết nối thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế. Bởi thời điểm này, Việt Nam khó tìm đối tác để trao đổi thương mại khi mảng này còn khá mới.

Theo Cục Lâm nghiệp, thế giới hiện nay có thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc).

Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa. Thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.

Hiện nay, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện của thế́ giới dao động 2-4 USD một tấn CO2, trong đó mức giá carbon của lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất năm 2021 đạt 3,07 USD một tấn. Theo trang carboncredits.com cập nhật, mức giá carbon của hệ sinh thái tự nhiên ngày 5/3 đạt 1,57 USD một tấn CO2.

Theo Cục Lâm Nghiệp, trên thế giới có gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành thuế carbon, mức thuế từ 1-137 USD một tấn CO2.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của WB.

Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng.

Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.

Thách thức với doanh nghiệp phát thải

Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (Bộ NN&PTNT), môi trường sinh thái của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nhờ vào việc giữ rừng, phát triển rừng, để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Nguồn tiền thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ dùng để chi trả cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên; UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên... Bên cạnh đó, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng, cũng như nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Tuy nhiên, bán tín chỉ carbon rừng không phải là ngồi không thu hàng triệu USD từ rừng sẵn có. Phát triển thị trường tín chỉ carbon vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp phát thải. Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông phân tích, khi vận hành thị trường tín chỉ carbon, nếu một doanh nghiệp phát thải nhiều hơn thì cần phải gánh chi phí kinh tế cao hơn. Do đó, nếu lượng phát thải được xem như một loại hàng hóa và áp dụng mức trần phát thải thì doanh nghiệp sẽ có động lực để cắt giảm khối lượng khí nhà kính mình tạo ra. Càng phát thải nhiều thì doanh nghiệp càng phải trả chi phí lớn; và ngược lại, nếu phát thải ít đi, doanh nghiệp đó có thể "bán" phần "định mức phát thải dư thừa" của mình để kiếm lời.

Theo chuyên gia, phát triển thị trường carbon trong nước, bên cạnh những cơ hội thì vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết là khung pháp lý và việc đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Tiếp theo là sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm giảm phát thải. Chính phủ có thể cam kết với quốc tế, nhưng thực tế giảm được đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực và sự tham gia của doanh nghiệp. Ngoài ra, nguồn lực tài chính và đổi mới công nghệ cũng là những thách thức lớn.

Đối với Việt Nam, dù là một nước nông nghiệp, nhưng hiệu quả về mặt môi trường lại không cao. Theo báo cáo của Edgar (2022), Việt Nam xếp thứ 18 về số lượng phát thải khí nhà kính. Một phần nguyên nhân là do các kỹ thuật mà Việt Nam sử dụng còn tương đối lạc hậu, gây ra sự thiếu hiệu quả về năng lượng tiêu thụ cũng như tăng mức độ phát thải cần thiết. Điều này đặt ra thách thức tương đối lớn về mặt thời gian, chi phí, và công nghệ để các công ty tại Việt Nam có thể đạt được hiệu quả môi trường tốt.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Quỹ Vinacarbon, tiềm năng tạo tín chỉ carbon từ các doanh nghiệp ngành gỗ để bù đắp cho các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam nhằm giúp quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là rất lớn, do cây có tính năng hấp thụ carbon trong khí quyển và lưu trữ trong gỗ, hoặc có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng như một nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, gỗ có thể được sử dụng thay thế cho các vật liệu phát thải cao khác như bê tông, nhựa...

Việt Nam có khoảng 14 triệu ha rừng, trong số đó có gần một nửa là rừng sản xuất. Nếu các doanh nghiệp ngành gỗ nhận thức được việc đầu tư phát triển bền vững, giảm phát thải là xu thế tất yếu và cần thiết phải thực hiện thì nguồn thu của doanh nghiệp không chỉ đến từ các hoạt động chế biến gỗ và lâm sản mà còn từ tín chỉ carbon. Chẳng hạn, hoạt động trồng rừng gỗ lớn cần đầu tư ban đầu nhiều thời gian và chi phí, tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ sản phẩm lâm nghiệp sẽ cao hơn từ 3-4 lần. Ngoài ra, tuổi thọ cây kéo dài cũng giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu từ tín chỉ carbon...