Trung Quốc phát triển loại pin thể rắn, hiệu suất vượt trội

Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một loại pin thể rắn, chi phí thấp, hiệu suất hoạt động vượt trội, được kỳ vọng sẽ khắc phục được các vấn đề về dung lượng và an toàn của pin lithium-ion.

Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố tăng cường tài trợ đáng kể cho nghiên cứu pin thể rắn nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và thương mại hóa. Khoản đầu tư lên tới hàng tỷ nhân dân tệ này càng nhấn mạnh nỗ lực chiến lược của Trung Quốc nhằm thống trị thị trường pin toàn cầu.

Mới đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã phát triển chất điện phân rắn Li7P3S7.5O3.5 (LPSO). Quá trình tổng hợp vật liệu này không cần đến chất Li2S nên chi phí nguyên liệu thô chỉ là 14,42 USD /kg, dưới ngưỡng 50 USD/kg. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Angewandte Chemie International Edition, đánh dấu bước đột phá trong nghiên cứu pin thể rắn.

Chất điện phân rắn LPSO có mật độ thấp, khả năng tương thích tốt với điện cực dương và giá thành phải chăng, đồng thời chất này được cho là góp phần tạo nên hiệu suất hoạt động vượt trội của pin thể rắn.

Chất điện phân sunfua thể rắn là chìa khóa để tạo ra pin thể rắn. Tuy nhiên, giá thành của chất điện phân sunfua thể rắn thường trên 195 USD/kg, cao hơn nhiều so với mức 50 USD/kg cần thiết để thương mại hóa. Vấn đề này xuất phát từ việc tổng hợp các chất điện phân sunfua thể rắn cần một lượng lớn chất lithium sulfide (Li2S) đắt tiền.

Nhiều chuyên gia coi pin thể rắn là chìa khóa để khai thác toàn bộ tiềm năng của xe điện. Với việc các hãng ô tô lớn như Tesla, Toyota và Volkswagen cũng đang để mắt đến các giải pháp trạng thái rắn, sự thúc đẩy mạnh mẽ của Trung Quốc đảm bảo nước này luôn dẫn đầu trong cuộc đua.