TS Vũ Thị Bích Hậu: Mong cơ chế tạo 'hứng khởi' cho nhà KH

TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng mong rằng, những cơ chế, chính sách mới sẽ tạo niềm hứng khởi để các nhà khoa học cống hiến, trong đó có nhà khoa học nữ.
Phụ nữ làm khoa học có nhiều thử thách
Ngày 28/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ Tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu năm 2024.
Là một số trong số 135 trí thức được tôn vinh, TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Đà Nẵng bày tỏ niềm vui, sự phấn khởi, tự hào.
TS Vu Thi Bich Hau: Mong co che tao 'hung khoi' cho nha KH
TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng được vinh danh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024. Ảnh: Mai Loan.
“Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu không chỉ là niềm tự hào cho những người được vinh danh, mà còn là niềm tự hào cho giới trí thức nói chung trong các hoạt động khoa học và công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực”, TS Vũ Thị Bích Hậu chia sẻ.
TS Vũ Thị Bích Hậu cho biết, làm nghiên cứu khoa học có rất nhiều khó khăn, bởi phải tập trung vào các vấn đề khoa học và thực tiễn đang đặt ra. Để làm được điều đó, các nhà khoa học phải dồn nhiều tâm huyết, sức lực cho công việc nghiên cứu của mình. Cả nam và nữ khi làm khoa học đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, tuy nhiên, đối với nữ nhà khoa học, thực sự có nhiều thách thức.
Là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đồng thời cũng là một nhà khoa học, TS Hậu hiểu, những nữ trí thức trong hoạt động khoa học công nghệ phải cố gắng hơn rất nhiều. Ngoài công việc ở cơ quan, họ vẫn phải đảm đương việc nhà. Bởi người phụ nữ khi sinh ra đã có thiên chức làm vợ, làm mẹ. Để có thể theo đuổi được nghiên cứu khoa học, nữ trí thức phải cân bằng giữa gia đình và công việc. Đây là khó khăn mà họ phải đối mặt.
“Tuy nhiên, nhìn vào số lượng nữ trí thức được vinh danh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024 có thể thấy, nhiều người đã sắp xếp linh hoạt được cuộc sống để có thể theo đuổi được đam mê khoa học. Và qua đây cũng thấy được những đóng góp của nữ trí thức đối với sự phát triển khoa học và công nghệ nước nhà”, bà Hậu nói.
Bà Vũ Thị Bích Hậu hy vọng, với những cơ chế, chính sách mới hiện nay về khoa học và công nghệ, đặc biệt là các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những nghị quyết về phát triển đội ngũ trí thức, cũng như khoa học và công nghệ, sẽ tạo nên những niềm hứng khởi, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học cống hiến, nghiên cứu ra nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất, phát triển đất nước.
Nhà khoa học, nhà quản lý tâm huyết vì người dân
TS Vũ Thị Bích Hậu sinh năm 1974 ở Thái Bình. Tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội năm 1996, bà được nhận vào công tác tại Viện di truyền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với những nỗ lực, cố gắng, bà đã được Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Kobe. Năm 2006, tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Sinh học và môi trường, TS Bích Hậu tiếp tục được chọn tham gia nghiên cứu chương trình sau tiến sĩ trên đất nước Nhật Bản.
Trong thời gian này, một số công trình nghiên cứu khoa học của bà được đánh giá cao, ứng dụng trong thực tiễn, làm tăng thêm uy tín cho Trường Đại học Kobe. Nổi bật trong đó là công trình "Nghiên cứu các loại nấm men tự nhiên để sản xuất các loại rượu Sake mới".
Từ năm 2006-2009, từ hơn 600 loài hoa, bà Bích Hậu đã nghiên cứu và tìm ra 1.250 loại nấm men để chiết xuất ra loại men tự nhiên mới. Công trình này được công ty rượu nổi tiếng Sawanotsuru tại Kobe đưa vào ứng dụng trong sản xuất rượu Sake truyền thống của Nhật Bản. Ghi nhận cống hiến của bà, Công ty Sawanotsuru đã dành một khoản lợi nhuận trong sản xuất rượu Sake để cấp học bổng cho những sinh viên Việt Nam đang học tại Trường Đại học Kobe.
Năm 2010, TS Vũ Thị Bích Hậu đến với Đà Nẵng theo chủ trương thu hút nhân tài của lãnh đạo thành phố. TS Vũ Thị Bích Hậu được ví như “bạn của nhà nông” với nhiều nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng. Bà cùng với đồng nghiệp đã đưa thành công cúc họa mi, loài hoa tưởng chỉ có ở miền Bắc về trồng thành công ở TP Đà Nẵng, tăng thêm vẻ đẹp cho thành phố biển du lịch này.
Ở vai trò quản lý, TS Vũ Thị Bích Hậu có nhiều đóng góp cho công tác vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương.
Ở vị trí Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Hội Nữ trí thức luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để đội ngũ nữ trí thức có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tham mưu đề xuất với thành phố những chủ trương, chính sách phù hợp để hỗ trợ, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ nữ trí thức.
Bà cũng luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học. Hiện bà có 6 sáng kiến các cấp, trong đó có 1 sáng kiến đã được công nhận là sáng kiến có ảnh hưởng đối với phạm vi thành phố Đà Nẵng. Bà là chủ nhiệm và tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố, chủ nhiệm tiểu dự án Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan. Hiện nay, TS Vũ Thị Bích Hậu đang làm chủ nhiệm 01 nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước: “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng”.
“Tôi luôn đau đáu là làm sao phải đóng góp thật nhiều, đem lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất để người dân có thể nâng cao thu nhập và bảo vệ sức khỏe”, TS Vũ Thị Bích Hậu chia sẻ.
Với nhiều thành tích xuất sắc, TS Vũ Thị Bích Hậu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Thành ủy Đà Nẵng và nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể khen thưởng. Trong đó, có danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2019.
Mời quý độc giả xem video TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng chia sẻ tại Lễ Vinh danh Trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.