Đây cũng chính là giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa thời gian và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Trí tuệ nhân tạo có thể viết email gửi khách hàng giới thiệu về sản phẩm nhanh gấp 36 lần so với con người, thiết kế bộ ảnh thời trang nhanh hơn 24 lần, nó cũng nhanh gấp 10 lần một lập trình viên trong thiết kế giao diện website.
Theo báo cáo mới nhất ở Mỹ (Work Trend Index Report, tháng 5/2024), 75% người đi làm đã dùng AI trong công việc; 46% mới dùng AI trong 6 tháng vừa qua; 66% lãnh đạo sẽ không tuyển những người không có năng lực về AI.
Theo báo cáo năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, có 10 ngành phát triển nhanh nhất thế giới gồm: chuyên gia AI và học máy; chuyên gia phát triển bền vững; nhà phân tích kinh doanh thông minh; nhà phân tích an toàn thông tin; kỹ sư Fintech (công nghệ tài chính); các nhà phân tích và nhà khoa học dữ liệu; kỹ sư robot; kỹ sư công nghệ điện tử; người vận hành thiết bị nông nghiệp; chuyên gia chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, những nghề sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất trong tương lai bởi công nghệ gồm: giáo dục (giáo viên); dịch vụ (chăm sóc khách hàng), y dược (bác sĩ, dược sĩ), tài chính (kiểm toán, kế toán), an ninh (bảo vệ, cảnh sát), chuyên gia…
|
||
Tại diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia nhận định, AI đã và đang thay đổi bộ mặt của nền kinh tế và xã hội, từ việc tự động hóa quy trình sản xuất đến việc tối ưu hóa dịch vụ khách hàng…
Theo các chuyên gia công nghệ, Việt Nam và khu vực châu Á đang có sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp và tổ chức đang tìm cách tận dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và tạo ra giá trị mới.
Một trong những nhu cầu chủ yếu của doanh nghiệp là tăng cường khả năng dự đoán và phân tích trong sản xuất. AI có thể phân tích lượng lớn dữ liệu nhanh chóng và chính xác, giúp dự đoán lỗi và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro lỗi sản xuất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, robot thông minh tích hợp AI có khả năng học và thích ứng với môi trường sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ lặp lại và nguy hiểm mà không cần sự giám sát liên tục của con người, giúp tăng cường an toàn lao động, giảm thời gian, chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, áp dụng AI trong tự động hóa cũng có thách thức như: chi phí ban đầu lớn khi đòi hỏi đầu tư cả phần cứng và phần mềm; đào tạo kỹ năng mới cho nhân viên trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất mới; dữ liệu lớn quan trọng được sử dụng và chuyển đổi qua các thành phần của hệ thống tự động hóa đặt ra vấn đề về bảo mật và quản lý rủi ro của mạng truyền thông…
Ngày nay, hệ thống tự động hóa có xu hướng tích hợp các giải pháp AI để nâng cao khả năng dự đoán, điều chỉnh linh hoạt và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Mô hình học máy và các thuật toán AI được áp dụng để phân tích dữ liệu lớn, dự đoán xu hướng và tối ưu hóa thiết kế quy trình sản xuất, giúp tăng cường hiệu suất, giảm lãng phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Một xu hướng đáng chú ý là sự phát triển của robot cộng tác thông minh. Robot được tích hợp AI để thích ứng với môi trường làm việc, tương tác với người lao động và thậm chí làm việc cùng với họ. Sự kết hợp giữa con người và robot trong quá trình sản xuất mang lại hiệu quả và an toàn cao, đồng thời giảm bớt công việc lặp lại và nguy hiểm cho người lao động.