Người tiêu dùng có mặt và mua sắm ở khắp các nền tảng trực tuyến như: website, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Do đó, để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, các doanh nghiệp cần triển khai bán hàng đa kênh. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp như quản lý dữ liệu, quy trình vận hành mỗi kênh, sắp xếp nhân sự… gây tốn thời gian, công sức..
Để giải quyết những thách thức này, các phần mềm quản lý bán hàng đa kênh ra đời, giúp quản lý đồng bộ các kênh bán hàng, như Kiot Việt, Pos365, Sapo, Loyverse… Chúng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh.
Các phần mềm quản lý bán hàng đa kênh đang được dùng phổ biến ở Việt Nam. |
Nói về tiện ích của phần mềm quản lý bán hàng Kiot Việt, chị Lê Thị Hoài Thương, chủ cửa hàng thời trang LiNa, cho hay, phần mềm này giúp chủ shop nắm được chính xác số lượng hàng hóa, đơn bán ra trong ngày. Số lượng mỗi chủng loại, sau khi bán ra, phần mềm tự động trừ luôn hàng tồn trong kho nên chẳng lo nhầm lẫn.
“Hàng bán đến đâu đều được thống kê đầy đủ trên máy. Thậm chí, tôi còn giám sát được nhân viên bằng cách biết chính xác giờ xuất bán, người bán. Do vậy, việc tra soát lịch sử giao dịch rất dễ dàng”, chị Thương nói.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đồ ăn nhanh cũng chia sẻ, việc quản lý cửa hàng trở nên đơn giản, tiết kiệm thời gian. Chỉ cần kết nối phần mềm bán hàng đa kênh giữa máy tính và điện thoại thông minh là yên tâm sử dụng. Thay vì sắp xếp sổ sách, cộng trừ nhân chia hàng ngày, người dùng chỉ cần mở điện thoại xem báo cáo cuối ngày.
Trong môi trường kinh doanh ngày nay, sự hỗ trợ của công nghệ đã trở thành yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả công việc và tăng cường sức mạnh cạnh tranh. Các doanh nghiệp sử dụng những loại phần mềm thiết yếu để quản lý hoạt động và quy trình kinh doanh, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, thông minh và hiệu quả hơn.