Xây dựng "công dân số" để chuyển đổi số bền vững, hiệu quả

Trong thời đại công nghệ 4.0, cần xây dựng những "công dân số" để đảm bảo chuyển đổi số bền vững lâu dài và hiệu quả. Từ đó, mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Việc phát triển "công dân số" là nền tảng quan trọng giúp 3 trụ cột của chuyển đổi số gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ngày càng phát triển bền vững.

Nói đến “công dân số”, người ta thường nghĩ ngay đến sự thông minh và sự hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin, có kiến thức về lĩnh vực công nghệ, có hiểu biết chi tiết về phần cứng và phần mềm cũng như kỹ năng sử dụng thiết bị máy móc, các đồ dùng điện tử. Có thể sử dụng công nghệ thông tin để tham gia vào các hoạt động của xã hội, chính trị và chính quyền... trên nền tảng kĩ thuật số; Biết truy cập internet thông qua máy tính, điện thoại di động và các thiết bị kĩ thuật số khác để tương tác với cá nhân, tổ chức và cộng đồng theo nhiệm vụ, mục đích, công việc của cá nhân, đơn vị. Tuy nhiên không phải bất kì ai sử dụng internet cũng là "công dân số".

Hiện "công dân số" không còn là khái niệm quá xa lạ, mà là những điều rất gần gũi với chúng ta, cụ thể như công dân đủ điều kiện được trang bị các công cụ thiết yếu như Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử; ứng dụng VNelD để tham gia trên môi trường điện tử.

Đối tượng của "công dân số" có thể là bất kỳ ai - Một đứa trẻ, thanh thiếu niên hoặc người lớn, không giới hạn về giới tính, độ tuổi, sắc tộc, tôn giáo và nơi sống.

Để trở thành “công dân số”, những điều kiện cần thiết là phải có 01 thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy tính bảng, ti-vi có kết nối interrnet...), có đường truyền internet, có tài khoản dịch vụ công, tài khoản ngân hàng, chữ ký số, định danh điện tử trên môi trường mạng, có kỹ năng về chuyển đổi số…

Hiện số lượng người sử dụng điện thoại thông minh và mạng intenet tại Việt Nam ngày càng phổ biến. Việt Nam là 1 trong 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới. Từ lợi thế đó, các địa phương, đơn vị đang tích cực xây dựng và phát triển thế hệ "công dân số", phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Xây dựng công dân số là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia

Xây dựng công dân số là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia

"Công dân số" đóng vai trò như những người lãnh đạo, người học và người sáng tạo để tạo nên sự phong phú về nội dung, kiến thức và thông tin trên nền tảng kỹ thuật số. Đây là một cách hiệu quả để tạo nên nguồn thông tin đa dạng và giúp mọi người cập nhật thông tin kịp thời trong xã hội số như hiện nay..

Xây dựng "công dân số", lấy người dân làm trung tâm, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, giúp người dân được tham gia và hưởng lợi. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xây dựng “công dân số” sẽ góp phần bảo đảm hiệu quả của chuyển đổi số mang tính bền vững, toàn diện và đồng bộ.

Trở thành “công dân số”, chúng ta sẵn sàng và tích cực tương tác, làm việc trên môi trường số, phát huy hiệu quả nền tảng số, dữ liệu số, góp phần vào thành công công cuộc chuyển đổi số và đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ trên môi trường số, dù còn những bất cập và khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng những công dân số của nước ta đã và đang chủ động ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp.