Bộ NN&PTNT muốn bán đấu giá 5,9 triệu tấn carbon

Bộ NN&PTNN muốn bán 5,9 triệu tấn carbon còn dư, trong đó, bán 1 triệu tấn cho Ngân hàng Thế giới, số còn lại thí điểm đấu giá qua các sàn giao dịch quốc tế.
Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn

Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn

Bộ NN&PTNN vừa báo cáo Thủ tướng Chính Phủ về tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư thuộc giai đoạn 2018 - 2019.

Trước đó, năm 2020, Bộ NN&PTNN và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng thế giới (WB) với tư cách là bên được ủy thác của Quỹ Đối tác Carbon lâm nghiệp (FCPF) đã cùng ký Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA). Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon ở vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho FCPF thông qua WB với đơn giá theo thỏa thuận là 5 USD/tấn carbon, tương đương 51,5 triệu USD. Trong đó, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (NDC).

Giữa tháng 12/2023, sau khi Bộ NN&PTNT ký văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn carbon, WB có thư xác nhận chuyển giao lại khoảng 95% kết quả GPT đã chuyển nhượng cho Việt Nam để đóng góp vào quốc gia tự quyết định (NDC) theo cam kết đã ký.

Lượng giảm phát thải giai đoạn 2018 - 2019 của Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn carbon. Vì vậy, Bộ đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục chuyển nhượng cho WB 1 triệu tấn carbon với giá 5 USD/tấn carbon. Khoảng 95% kết quả chuyển nhượng này sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC.

Nếu được Thủ tướng đồng ý, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục chuyển nhượng trước ngày 31/3/2024.

Đối với 4,91 triệu tấn giảm phát thải còn lại, phía WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với các đối tác tiềm năng để thương mại, trong đó có phương án thí điểm đấu giá kết quả giảm phát thải - Bộ NN&PTNT cho hay.

Theo Bộ NN&PTNT, nếu được thực hiện theo phương thức thí điểm đấu giá, Bộ đề xuất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT cùng Bộ NN&PTNT xây dựng phương án thí điểm đấu giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với việc chuyển nhượng bổ sung cho WB, Bộ Tài chính và một số địa phương đề nghị xem xét về mức giá chuyển nhượng hoặc xem xét phương án chuyển nhượng cho đối tác khác ngoài WB. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho rằng, kết quả giảm phát thải chuyển nhượng cho WB là kết quả tạo ra trong quá khứ (giai đoạn 2018-2019), nên rất khó có thể tìm kiếm các đối tác khác để thực hiện trao đổi, thương mại…

Hiện nay, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện thế giới dao động từ 2-4 USD/tấn CO2, trong đó mức giá carbon của lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất trên thế giới năm 2021 đạt 3,07 USD/tấn CO2. Theo trang carboncredits.com cập nhật thị trường carbon trên thế giới, thì mức giá carbon của hệ sinh thái tự nhiên ngày 5/3/2024 đạt 1,57 USD/tấn CO2.

Trong khi đó, thị trường carbon trong nước sẽ được thiết lập và vận hành chính thức trong năm 2028. Do vậy, để huy động nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng vùng Bắc Trung Bộ, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp ý kiến và tiếp thu, giải trình nhiều vấn đề.

Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, việc xây dựng kế hoạch sử dụng đối với lượng giảm phát thải 4,91 triệu tấn carbon còn lại là cần thiết.

Ngày 21/3, WB cho hay, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng. Đồng thời, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của WB./.