Chuyên gia lý giải về hiện tượng thời tiết nắng nóng bất thường ở Nam Bộ

Theo Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Nam Bộ, so với mọi năm, tháng 2/2024 có đợt nắng nóng sớm, kéo dài với mức nhiệt cao, có nơi nhiệt độ cao nhất lên đến 38 độ C.
Nhiều đoạn đường bị sụt lún, đứt gãy (ảnh báo Nhân dân)

Nhiều đoạn đường bị sụt lún, đứt gãy (ảnh báo Nhân dân)

Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo KTTV khu vực Nam bộ cho biết, đợt nắng nóng này đã kéo dài từ ngày 9/2 đến nay - là đợt kéo dài. So với mọi năm, tháng 2 mà có đợt nắng nóng kéo dài với cường độ khá mạnh, mức nhiệt nhiều ngày cao nhất trên 37oC như vậy là bất thường.

Thông thường từ trung tuần tháng 2 hàng năm, Nam Bộ sẽ bắt đầu xuất hiện nắng nóng một vài nơi tại các tỉnh miền Đông. Tuy nhiên, năm 2024 nắng nóng xuất hiện sớm tại các tỉnh Nam Bộ. Giống như những năm El Nino mạnh là 2015 - 2016, 2019 - 2020, năm 2023 - 2024 nắng nóng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Ông Quyết giải thích thêm: "Dự báo nắng nóng kéo dài bất thường vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân do El Nino đang diễn ra, tác động làm xu thế nhiệt tăng, ít mưa. Thông thường sẽ có những ngày hệ thống thời tiết thay đổi làm kết thúc đợt nắng nóng, sau vài ngày lại hình thành đợt mới. Tuy nhiên, đợt nắng nóng này dự báo vẫn đang kéo dài".

Ở các năm El Nino mạnh, nắng nóng tại Nam Bộ đã bắt đầu xuất hiện cục bộ trong tháng 12. Sang tháng 1, nắng nóng bắt đầu xuất hiện những đợt trên diện rộng với miền Đông. Chẳng hạn năm 2020, nắng nóng trong tháng 1 còn diễn ra gay gắt hơn so với năm nay hay năm 2016 nắng nóng cũng bắt đầu xuất hiện cục bộ từ ngày 6/1 tại các tỉnh miền Đông và có 1 đợt diện rộng từ ngày 20/1 - 24/1/2016, đợt 2 từ 29/1 - 5/2/2016.

So với tháng 2 của năm 2016 và năm 2020 thì tháng 2/2024 cường độ nắng nóng có phần gay gắt hơn. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận trong tháng 2/2016 và 2020 là 37oC tại Biên Hòa. Nhưng năm 2024, nhiệt độ cao nhất tính đến hiện tại là 38oC (tại Biên Hòa vào ngày 15/2). Đến ngày 26/2 nhiệt độ giảm nhẹ nhưng ngày 28/2, nắng nóng gia tăng trở lại, xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh Đông Nam bộ và cục bộ ở các tỉnh miền Tây.

Dự báo năm 2024, nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt như những năm hiện tượng El Nino mạnh, với những đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày liên tục, tập trung trong tháng 3 và tháng 4, xảy ra diện rộng với cả Nam Bộ.

Nắng nóng thời gian qua khiến một số khu vực ở đồng bằng cũng đang bị hạn hán và nông dân đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển cây trồng do mực nước kênh rạch trong khu vực xuống thấp.

Theo những nông dân ở Cà Mau, năm nay, mùa khá bội thu nhưng kênh rạch khô cạn đang ảnh hưởng nặng nề đến việc vận chuyển thu hoạch. Nhiều nơi ở tỉnh này, kênh rạch bị cạn khô dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất gây hư hỏng đường nông thôn, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Từ đầu năm đến ngày 23/2 vừa qua, tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) có 107 tuyến với 327 vị trí bị sụt lún, sạt lở; với tổng chiều dài gần 9.000m. Trong đó, hư hỏng hơn 6.500m đường bê-tông, thiệt hại ban đầu về tài sản ước tính hơn 11,6 tỷ đồng.

Đây là mùa khô lần thứ 3 vùng ngọt Trần Văn Thời xảy ra sụt lún, sạt lở. Trước đó vào mùa khô các năm 2016 và 2020, vùng này xảy ra gần 1.500 vụ sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 70 km, làm hư hỏng nhiều tuyến đường nhựa, đường bê-tông và nhà dân, tổng thiệt hại tài sản gần 140 tỷ đồng chưa tính thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do năng suất giảm.