"Hội chứng sau kỳ nghỉ": Làm sao để phòng tránh?

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người sẽ cảm thấy thiếu động lực, thậm chí rối loạn giấc ngủ, lo lắng, thiếu tập trung có thể kèm theo trầm cảm, chán ăn…

“Hội chứng sau kỳ nghỉ” là một loạt triệu chứng xuất hiện sau sự rối loạn của hệ thần kinh tự chủ và mất cân bằng điều hoà nội tiết do làm việc và nghỉ ngơi không điều độ trong kỳ nghỉ lễ. Nó ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của con người, từ đó dẫn đến các bệnh về tâm thần, và thậm chí đe dọa tính mạng trong những trường hợp nghiêm trọng. Vì vậy, cần quan tâm đến "hội chứng sau kỳ nghỉ" và có những điều chỉnh phù hợp.

Quay trở lại sau kỳ nghỉ, 57% người được hỏi cho biết rằng họ cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản.

Quay trở lại sau kỳ nghỉ, 57% người được hỏi cho biết rằng họ cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản.

Nghiên cứu khoa học cho thấy nhìn chung, tất cả các kỳ nghỉ đều tốt cho sức khỏe tinh thần. Đó là khoảng thời gian chúng ta có thể thư giãn, giảm căng thẳng, "sạc" lại chính mình để lấy lại sức sáng tạo cũng như năng suất làm việc.

Tiến sĩ Jarrod Haar, một giáo sư về quản lý nguồn nhân lực tại Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand cho biết: "Mọi người nên để ý đến bản thân giống như họ để ý chiếc điện thoại di động. Chúng ta cần thời gian để nghỉ ngơi và nạp năng lượng – cũng giống như điện thoại cần nạp lại pin vậy".

Một nghiên cứu dài hạn trên tạp chí Scandinavian Journal of Work, Environment & Health đã chỉ ra: Mỗi kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày có thể giúp giảm 29% nguy cơ mắc trầm cảm cho công nhân viên.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là hạnh phúc mà bạn cảm thấy trong kỳ nghỉ thường không kéo dài lâu. Ngay ngày đầu tiên phải quay trở lại, 57% người được hỏi cho biết rằng họ sẽ cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản.

Các triệu chứng đi từ thoáng qua tới kéo dài trên 2 tuần bao gồm:

- Cảm giác hoài niệm, mơ màng, trống rỗng,

- Thiếu năng lượng, giảm tập trung, mất hứng thú,

- Choáng ngợp hoặc kiệt sức bởi nhịp sống cũ và công việc…

Có rất ít nghiên cứu về hội chứng này, nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sự giảm sút lượng adrenaline là nguyên nhân chính. Sự dừng lại đột ngột của dopamine và serotonin (hai loại hormone giúp bạn cảm thấy dễ chịu) sau một sự kiện lớn, có thể là sau Tết hoặc sau những kỳ nghỉ lễ, sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm sinh lý của bạn. Sự thay đổi giữa các mùa, ánh sáng ban ngày ít, mức độ hoạt động thể chất giảm và sự cô lập gia tăng cũng góp phần gây ra cảm giác tồi tệ này.

Theo lý thuyết điểm đặt (Set-Point Theory), nỗi buồn sau kỷ nghỉ là một cơ chế cân bằng cảm xúc tự động của não bộ. Trong kỳ nghỉ, bạn đã có quá nhiều hoạt động thú vị, dopamine liên tục được tiết ra sẽ khiến bạn cảm thấy vô số khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn.

Nhưng cảm xúc hưng phấn của chúng ta chỉ là một bên cán cân. Khi dopamin tiết ra quá nhiều, cơ chế cân bằng nội môi của cơ thể sẽ đẩy bạn về phía cán cân còn lại – trầm cảm – trong một khoảnh khắc để lấy lại điểm đặt (set-point) cân bằng vốn có của nó.

Hội chứng liên quan mật thiết đến Dopamine còn gọi là hoocmon "hạnh phúc".

Hội chứng liên quan mật thiết đến Dopamine còn gọi là hoocmon "hạnh phúc".

Các chuyên gia tâm lý chỉ ra một ngày đệm sau kỳ nghỉ là cách tốt nhất để bạn đánh bại hội chứng ủ rũ. Nếu có thể sắp xếp thời gian, bạn hãy dành ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ của mình để thực hiện một số công việc nhỏ mang tính chuẩn bị, lên dây cót. Ví dụ như: sắp xếp các nhiệm vụ cần làm, trả lời trước một vài email… Các nhiệm vụ nhỏ này sau khi được hoàn thành sẽ tạo đà cho bạn trong ngày trở lại làm việc, để mọi thứ đều trở nên trơn tru và hoàn hảo.

Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra 6 lời khuyên mà bạn không nên bỏ qua để tránh tác động của “Hội chứng sau kỳ nghỉ”.

- Ngủ đủ giấc: Bạn cần ngủ đủ giấc mỗi ngày, không chỉ để duy trì sức khỏe tinh thần mà còn ngăn ngừa các bệnh như huyết áp cao, đột quỵ và suy nhược thần kinh.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa rượu bia và chất kích thích: Vào những ngày nghỉ lễ mọi người có xu hướng tìm đến những thực phẩm nhiều chất béo và đường. Để duy trì thói quen ăn uống lành mạnh trong những ngày lễ và sau đó, hãy cố gắng thêm vào khẩu phần ăn các loại thực phẩm như trái cây và rau xanh, đồng thời tránh uống nhiều rượu bia vì nó có thể khiến những cảm xúc tiêu cực trở nên mạnh mẽ hoặc khó kiểm soát hơn.

- Tăng cường vận động: Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên bắt đầu ngày mới bằng việc đi bộ nhanh, chạy bộ, hoặc khởi động bằng một bài tập ngắn. Nếu bạn không thích tập thể dục vào buổi sáng, hãy thử thiền trong 5 phút hoặc tập hít thở sâu để làm dịu tâm trí và kích hoạt giải phóng endorphin, hormone tạo cảm giác dễ chịu.

- Kết nối với bạn bè hoặc gia đình: Ở cạnh người thân quen sẽ giúp bạn cảm thấy được chia sẻ và xua tan cảm giác cô đơn.

- Lên lịch hoạt động trước: Mọi người có nguy cơ mắc chứng buồn bã sau kỳ nghỉ lễ cao hơn nếu họ không có điều gì để mong chờ. Vì thế lên kế hoạch trước cho một việc gì đó, dù lớn hay nhỏ, có thể giúp bạn duy trì động lực vui vẻ sau kỳ nghỉ lễ.

- Thử những trải nghiệm mới: Thông thường, khi lập kế hoạch cho các hoạt động trong tương lai, mọi người thường có xu hướng gắn bó với những điều quen thuộc. Ví dụ như ăn ở nhà hàng yêu thích hoặc gặp gỡ những người bạn thân. Nhưng bạn cũng có thể thử một số hoạt động mình chưa từng làm trước đó, chẳng hạn như tham gia một lớp học nhảy mà bạn đã tìm hiểu từ lâu, hay học thêm một vài kỹ năng sống mới chẳng hạn.