Cá voi vây (Balaenoptera physalus ) là loài cá voi lớn thứ hai trên Trái đất (ảnh Wildestanimal qua Getty Images) |
Vào ngày 9/5, các quan chức thông báo rằng Nhật Bản có thể sớm bắt đầu săn bắt cá voi vây. Yoshimasa Hayashi, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã cho biết tại một cuộc họp báo rằng: “Cá voi là nguồn thực phẩm quan trọng và cần được sử dụng bền vững, dựa trên bằng chứng khoa học”.
Động thái này bị các chuyên gia lên án nặng nề vì sẽ làm tăng số lượng loài cá voi mà Nhật Bản săn bắt trong vùng lãnh hải của mình lên bốn loài. Ba loài kia lại là cá voi Bryde (Balaenoptera edeni), cá voi sei (Balaenopteraboralis) và cá voi minke (Balaenoptera acutorostrata).
Theo Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC), cơ quan quản lý các hoạt động săn bắt cá voi hiện đại, cá voi vây (Balaenoptera physalus ) là loài cá voi lớn thứ hai trên Trái đất, sau cá voi xanh (Balaenoptera musculus). Cá voi vây được đặt tên theo chiếc vây đặc biệt nhô ra từ phần lưng dưới của chúng và chúng có thể dài tới 85 feet (26 mét). Chúng được tìm thấy trên khắp các đại dương trên thế giới. Tuy nhiên, trong nửa đầu thế kỷ 20, quần thể cá voi vây đã sụt giảm do săn bắt cá voi thương mại và chúng vẫn đang phục hồi sau cú sốc.
Năm 1982, IWC đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại và có hiệu lực vào năm 1986. Mặc dù Nhật Bản đã ngừng săn bắt vì mục đích thương mại sau năm 1986, song nước này vẫn tiếp tục đánh bắt cá voi vì mục đích nghiên cứu khoa học một năm sau đó.
Năm 2019, Nhật Bản rút khỏi IWC và bắt đầu đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại một lần nữa , mặc dù hoạt động săn bắt cá voi của nước này hiện bị giới hạn trong vùng lãnh hải của quốc gia ở Bắc Thái Bình Dương.
Theo dữ liệu săn bắt cá voi được công bố gần đây nhất của IWC, Nhật Bản đã bắt 25 con cá voi sei, 187 con cá voi Bryde và 58 con cá voi minke vào năm 2022. Theo tổ chức bảo tồn biển OceanCare, trong những năm gần đây, nước này cũng nhập khẩu thịt cá voi vây từ Iceland.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê cá voi vây là dễ bị tuyệt chủng trên toàn cầu, mặc dù loài này đã được liệt kê là có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2018 và được coi là như vậy theo Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng năm 1973. Tuy nhiên, IWCcho rằng, không có đủ dữ liệu để xác định tình trạng của dân cư địa phương ở Bắc Thái Bình Dương.
Clare Perry, cố vấn cấp cao của Cơ quan Điều tra Môi trường (một tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên điều tra tội phạm và lạm dụng môi trường) thì cho rằng: Nếu không có ước tính dân số đáng tin cậy, động thái săn bắt cá voi vây của Nhật Bản là một “bước thụt lùi kinh hoàng” trong việc bảo vệ đại dương.
"Kangei Maru", tàu sản xuất cá voi hiện đại của Nhật Bản, thử nghiệm vùng biển ngoài khơi TP Shimonoseki, tỉnh Yamaguchi, vào tháng 3. Con tàu đã thực hiện chuyến đi đầu tiên vào tháng 5, với kế hoạch đưa con tàu này bắt khoảng 200 con cá voi trong năm 2024 (ảnh Getty) |
Cũng theo Perry: “Cá voi vây là một trong những loài thu giữ carbon tuyệt vời của Trái đất và cần được bảo vệ hoàn toàn. Đặc biệt là để chúng có thể tiếp tục hoàn thành vai trò quan trọng của mình trong môi trường biển”.
Thông báo này được đưa ra sau khi Nhật Bản công bố "tàu mẹ" săn cá voi hoàn toàn mới vào tháng 3. Tàu này được gọi là Kangei Maru, có thể xử lý và chế biến những con cá voi lớn, bao gồm cả cá voi vây. Perry cho rằng, " Nhật Bản có thể buộc phải dấn thân vào ngành công nghiệp tàn phá, không bền vững, vô nhân đạo và lỗi thời này thêm hàng thập kỷ nữa".
Theo OceanCare, việc Nhật Bản có tiếp tục kế hoạch săn bắt cá voi vây hay không phụ thuộc vào kết quả của cuộc tham vấn cộng đồng về chính sách săn bắt cá voi mới được soạn thảo của nước này - nhưng có vẻ như những thay đổi này sẽ được chấp thuận./.