NGND Vũ Thị Hạnh: 34 năm miệt mài ươm mầm tri thức cho tương lai

Trải qua 34 năm miệt mài ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai, NGND Vũ Thị Hạnh vẫn giữ cho mình ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người.
Vừa qua, tại Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGƯT) lần thứ 16 và biểu dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024, cô giáo Vũ Thị Hạnh, Phó bí thư Đảng Bộ- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NGND. Cô Hạnh là 1 trong 5 thầy, cô đến từ các trường phổ thông được phong tặng danh hiệu cao quý - NGND của năm 2024. Cô cũng là giáo viên đầu tiên của tỉnh Yên Bái được phong tặng danh hiệu cao quý này.
NGND, NGƯT Vũ Thị Hạnh chia sẻ, phần thưởng ấy là động lực để cô tiếp tục phấn đấu, là một tấm gương thật mẫu mực cho học sinh noi theo, luôn tích cực đổi mới phương pháp, sáng tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học theo chuẩn đầu ra và mục tiêu đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.
NGND Vu Thi Hanh: Miet mai uom mam tri thuc cho tuong lai
Cô Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Yên Bái) phát biểu tại Lễ trao tặng Danh hiệu NGND-NGƯT lần thứ 16 và tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024



“Vững tay lái, chắc tay chèo” vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề

Cô Vũ Thị Hạnh chia sẻ: “Từ khi trở thành cô giáo, trong đầu tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh". Vì vậy, mỗi giờ học tôi đều đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp với nguyên tắc: trong mỗi bài dạy, kiến thức phải được cô đọng, trọng tâm, không dàn trải. Phải phát huy tối đa tính tích cực của học sinh để các em tự khám phá tìm tòi kiến thức thì sẽ nhớ rất lâu. Bên cạnh đó học phải đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống, sẽ làm cho các trò thấy được ý nghĩa của mỗi môn học”.

Không chỉ truyền thụ kiến thức, cô Hạnh còn tâm niệm rằng giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim, còn phải dạy làm người. Tình yêu thương chân thành và sự quan tâm đúng mực của mỗi nhà giáo có thể dìu dắt học trò vượt qua những khó khăn, thử thách và trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Với phương châm ấy, suốt 34 năm qua đứng trên bục giảng, dù còn muôn vàn khó khăn vất vả, nhưng cô Hạnh cùng với các đồng nghiệp của mình vẫn vững tay lái, chắc tay chèo, vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề thầy: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, cho đất nước.

NGND Vu Thi Hanh: Miet mai uom mam tri thuc cho tuong lai-Hinh-2

Cô Vũ Thị Hạnh và các em học sinh nhà trường. Ảnh baoyenbai

Tiên phong trong đổi mới quản lý giáo dục
Trưởng thành trong thực tiễn giáo dục, từ một giáo viên dạy môn Sinh học, đến năm 2006 cô Vũ Thị Hạnh được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, tỉnh Yên Bái.
Gần 20 năm trên cương vị Phó hiệu trưởng nhưng vẫn trực tiếp tham gia giảng dạy môn Sinh học, cô Hạnh đã có 5 sáng kiến cấp tỉnh, 15 sáng kiến cấp cơ sở được áp dụng hiệu quả trong và ngoài đơn vị, được Sở GD&ĐT, UBND tỉnh công nhận. Các sáng kiến này đã được áp dụng có hiệu quả tại Trường THPT Chu Văn An và nhiều trường THPT trong toàn tỉnh Yên Bái. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT, nhất là thúc đẩy chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
NGND Vu Thi Hanh: Miet mai uom mam tri thuc cho tuong lai-Hinh-3
Cô Vũ Thị Hạnh (ngoài cùng bên phải) trong Lễ đón nhận Trường THPT Chu Văn An đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và trường đạt chuẩn chất lượng cấp độ 3. Ảnh facebook nhà trường
Nổi bật, nhiều năm liên tục, cô Hạnh tham gia bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tính đến nay số giải học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia do cô trực tiếp giảng dạy và bồi dưỡng là 111 giải (102 giải cấp tỉnh, 9 giải cấp Quốc gia). Nhiều học sinh do cô Hạnh trực tiếp giảng dạy đã trở thành các bác sĩ, kỹ sư, thầy cô giáo,..công tác ở nhiều lĩnh vực, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đặc biệt, cô Vũ Thị Hạnh thường xuyên được các phòng chuyên môn của Sở (Phòng Giáo dục Trung học, Thanh tra Sở) huy động tham gia các đoàn kiểm tra ở các đơn vị trường, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các đơn vị trường trên địa bàn tỉnh về công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học.
NGND Vu Thi Hanh: Miet mai uom mam tri thuc cho tuong lai-Hinh-4
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho cô giáo Vũ Thị Hạnh

Người ươm mầm tri thức cho học sinh vùng cao

Cô Vũ Thị Hạnh sinh ra và lớn lên trên vùng đất Văn Yên, một huyện miền núi vùng cao xa xôi của tỉnh Yên Bái. Ngay từ khi còn nhỏ cô đã ước mơ mình được làm cô giáo, đã thường chơi trò chơi dạy học, các bạn cùng nhóm mầm non làm học sinh để mình làm cô giáo. Và cô đã theo đuổi mơ ước ấy suốt những năm tháng học phổ thông. Tốt nghiệp THPT, giữa lúc bạn bè người chọn ngành y, ngành dược, thương nghiệp, ngoại thương… thì cô chọn thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, cô lựa chọn trở về quê hương, dạy học ở Trường THPT Chu Văn An với mong muốn gieo tri thức và ươm mầm ước mơ cho học sinh vùng cao.

NGND Vu Thi Hanh: Miet mai uom mam tri thuc cho tuong lai-Hinh-5
Cô Hạnh trong cuộc sống thường ngày
Trường THPT Chu Văn An đóng trên địa bàn huyện Văn Yên, là một huyện vùng cao nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái có 25 xã, 1 thị trấn và 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi khóa học sinh của nhà trường có trên 1/3 là các em học sinh dân tộc ít người. Nhiều em ở những xã vùng sâu, vùng xa của huyện như Xuân Tầm, Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng, Châu Quế Thượng, có xã cả trường chỉ có 1 vài em đi học THPT. Các em cách xa trường 30- 40 km nên thường phải học trọ với muôn vàn khó khăn.
Nhớ lại những ngày tháng gian khó, cô Vũ Thị Hạnh cho biết: Nhiều em không vượt được khó khăn rất muốn bỏ học giữa chừng, những lý do rất đặc biệt là để “cưới vợ”, “lấy chồng”… hay xin nghỉ học vì dòng họ làm lễ “Cấp sắc” cho em. Cô giáo gặp gỡ phụ huynh học sinh để kết hợp động viên các em theo học thì “mẹ em không biết nói tiếng Kinh”… Nhiều cản trở, nhưng xác định trách nhiệm của người thầy nơi vùng cao, đặc biệt với người dân tộc nên cô Hạnh và đồng nghiệp lại càng phải nỗ lực nhiều hơn để không chỉ dạy chữ mà còn giúp tạo nguồn nhân lực sau này phục vụ, xây dựng bản làng.
Để thực hiện điều đó, cùng giáo viên chủ nhiệm, cô Hạnh tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của từng em để tìm ra giải pháp giúp các em được theo học và học tập tiến bộ.
Có những em cả lãnh đạo nhà trường, cả cô giáo chủ nhiệm đều không động viên được thì lại phải nhờ đến chính quyền địa phương, nhờ trưởng bản thuyết phục gia đình. Chính vì vậy, những năm gần đây tỷ lệ học sinh bỏ học, đặc biệt là học sinh dân tộc bỏ học còn rất thấp (dưới 1%).
Tình yêu nghề của cô giáo Vũ Thị Hạnh lớn dần theo năm tháng, khi nhìn thấy các em học sinh dân tộc ít người đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện. Có năm học, đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh của trường có tới 21 em là con em dân tộc ít người.
Nhiều học sinh, trong đó có những học sinh dân tộc ít người do cô giáo trực tiếp giảng dạy đã trở thành các bác sĩ, kỹ sư, thầy cô giáo... trở về phục vụ quê hương, phục vụ bản làng và trở thành cán bộ nòng cốt của các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Cô giáo Vũ Thị Hạnh đã ba lần được Hội đồng Giáo dục huyện Văn Yên, UBND huyện trao giải thưởng "Viên phấn vàng”, được tặng giấy khen của Huyện ủy Văn Yên về thành tích tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cô cũng đóng góp quan trọng để tập thể Trường THPT Chu Văn An 12 năm liên tục đạt Tập thể lao động xuất sắc, cờ thi đua xuất sắc, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2020, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2015 cùng 8 bằng khen của tỉnh và Bộ GD&ĐT...

20 năm liên tục, cô được công nhận phụ nữ "Giỏi việc trường - đảm việc nhà”, 4 lần được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 14 lần được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở. Cô đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT) năm 2017, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2020…