Lê Thái Hà từng học chuyên Toán, nhiều lần góp mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi và giành giải thưởng. Năm 2006, tốt nghiệp trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nữ sinh 18 tuổi được trao học bổng của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU, Singapore). Cô sinh viên khi ấy hoàn thành chương trình đại học, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore trong 3 năm rưỡi, lọt top 5% sinh viên xuất sắc của trường.
Khi chưa tròn 22 tuổi, không lâu sau khi tốt nghiệp cử nhân, Lê Thái Hà trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ với học bổng toàn phần từ Đại học Công nghệ Nanyang. Trong hơn 2 năm, Lê Thái Hà hoàn thành chương trình tiến sĩ của Đại học Công nghệ Nanyang với kết quả điểm học các bộ môn coursework cao nhất khóa (4.92/5.0). Khi đó, Lê Thái Hà mới 24 tuổi.
Nữ tiến sĩ hoàn thành chương trình cử nhân và tiến sĩ ở Singapore chỉ trong gần 5,5 năm. Thông thường, thời gian làm PhD từ 4 - 5 năm, ở Anh thường nhanh hơn, kéo dài trong 3 năm. Riêng học bổng nghiên cứu sinh do trường Đại học Công nghệ Nanyang cấp quy định kéo dài trong 4 năm. Thời gian hoàn thành chương trình tiến sĩ cùng kết quả điểm cao nhất khóa của Tiến sĩ Lê Thái Hà chỉ trong hơn 2 năm khi ấy được xem như chưa từng có tiền lệ tại NTU.
Những năm gần đây, Tiến sĩ Lê Thái Hà công bố nhiều nghiên cứu chính sách được sử dụng để đăng trên Báo cáo toàn diện thường niên Triển vọng Phát triển Châu Á của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS - Mỹ). Ngoài ra, nữ tiến sĩ còn là nhà phê bình độc lập cho chương trình Khoa học Xã hội và Nhân văn Vici thuộc Chương trình Tài năng NWO, Hội đồng Nghiên cứu Hà Lan (NWO).
Tiến sĩ Lê Thái Hà đã công bố khoảng 80 nghiên cứu, bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín như Energy Economics, Energy Policy, Energy Journal, International Review of Financial Analysis… Đây đều là những tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế năng lượng, môi trường và kinh tế ứng dụng.
Các bài báo nghiên cứu khoa học đều thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có khoảng 85% thuộc nhóm Scopus Q1 hoặc ABDC (Australian Business Deans Council), với chất lượng nghiên cứu xếp hạng A/A*.
Theo xếp hạng của các chuyên gia thuộc Đại học Stanford, Mỹ, được đăng trên tạp chí khoa học PLoS Biology vào năm 2021, Tiến sĩ Thái Hà có tên trong top 1% các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong tất cả lĩnh vực khoa học và là nhà nghiên cứu nữ người Việt duy nhất ở trong xếp hạng này. Ba năm liên tiếp, Lê Thái Hà lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng, top 2% các nhà khoa học toàn cầu trong tất cả lĩnh vực.
Tiến sĩ Thái Hà cũng là thành viên trẻ nhất (và là nữ duy nhất) của ủy ban khoa học kinh tế nhiệm kỳ 2022-2024 của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ngoài ra,Tiến sĩ Thái Hà còn làm tư vấn cho Ngân hàng Thế giới (World Bank), UNDP, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA).
Nữ tiến sĩ đã nhận được được nhiều nguồn tài trợ nghiên cứu uy tín như Tài trợ Thương mại và Phát triển Thái Bình Dương (PAFTAD) dành cho Học giả Trẻ năm 2013, Giải thưởng Tài trợ Liên bang về Ngoại giao Nhân dân của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM năm 2018 và Tài trợ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) năm 2019 với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu.
Tiến sĩ Lê Thái Hà. |
Tiến sĩ Lê Thái Hà là nhà phê bình độc lập cho chương trình Khoa học Xã hội và Nhân văn Vici thuộc Chương trình Tài năng NWO, Hội đồng Nghiên cứu Hà Lan (NWO); người sáng lập và Tổng Biên tập của Tạp chí khoa học Fulbright Review of Economics and Policy.
Bà cũng đồng thời đảm nhiệm vai trò biên tập cho một số tạp chí học thuật quốc tế uy tín khác như Journal of Economic Asymmetries (Elsevier), Journal of Economic Development (được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Quốc gia của Hàn Quốc), Singapore Economic Review (một trong những tạp chí kinh tế lâu đời và uy tín nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) và “Springer New Monograph Series, New Frontiers in Regional Science: Asian Perspectives” (Springer Nature).
Bên cạnh công việc nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Lê Thái Hà tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, với mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng. Hiện tại, bà Hà đang là Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh.
Theo Tiến sĩ Lê Thái Hà, nghiên cứu đòi hỏi sự bền bỉ, nhẫn nại và khó nhất là giữ được đam mê. Làm nghiên cứu sinh là con đường "may rủi" khi nhiều người bỏ giữa chừng vì nhận ra không phù hợp hoặc bế tắc trong nghiên cứu. Nhà khoa học có cơ hội khám phá không gian sáng tạo không giới hạn. Mỗi ngày đều mang đến cơ hội để họ đối mặt và vượt qua thách thức, biến những vấn đề thực tế thành cơ hội để học hỏi và phát triển.
Sự nghiệp khoa học không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng, mà còn mang đến những cơ hội để phát triển kỹ năng mềm, tư duy phản biện, sự bền bỉ, và khả năng giải quyết vấn đề - những yếu tố quan trọng để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào; Khoa học không chỉ đưa ra những câu hỏi mà còn mang đến cơ hội, kiến thức và công cụ để khám phá ra câu trả lời. Sự kết hợp của tự do sáng tạo, tác động thực tế, tri thức, công nghệ, và cộng đồng sẽ là điều khiến ngành khoa học trở nên hấp dẫn đối với thế hệ Gen Z...
Tiến sĩ Lê Thái Hà may mắn khi có được sự ủng hộ lớn từ gia đình, bố mẹ và đặc biệt là có sự cảm thông và tin tưởng từ người chồng. Sau những giờ tập trung cho công việc, bà dành phần lớn thời gian cho gia đình như chơi cùng con, đi thăm bố mẹ, cùng chồng đi du lịch, làm việc nhà... để cân bằng cuộc sống.
Theo nữ tiến sĩ, việc duy trì một sức khỏe tốt cả về mặt tinh thần và thể chất là rất quan trọng, từ đó mới có thể tái tạo được nguồn năng lượng và trí óc dành cho công việc.