Sóng nhiệt tràn vào miền Tây Hoa Kỳ làm tăng nguy cơ cháy rừng

Nhiệt độ cao cùng với gió và điều kiện khô hạn dai dẳng đã làm gia tăng nguy cơ cháy rừng trong những ngày qua .

Reuters đưa tin, hôm thứ Ba (ngày 23/7), hàng chục triệu người Mỹ sống ở miền Tây Hoa Kỳ phải chịu đựng cái nóng như thiêu đốt. Trong khi đó gió giật và điều kiện khô hạn đã gây ra hàng chục vụ cháy rừng, buộc người dân phải di tản trên khắp khu vực khô cằn này.

Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia, nhiệt độ quá cao sẽ bao phủ một khu vực trải dài từ Tây Nam Hoa Kỳ về phía Bắc qua Nevada và vào Idaho và Montana trong hai ngày tới trước khi nhiệt độ dịu hơn đến vào thứ Sáu. Hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt này.

Nhiệt độ ở Phoenix và Las Vegas dự kiến ​​sẽ vượt quá 110 độ F (43 độ C) vào giữa trưa thứ Ba, trong khi cách đó 1.200 dặm (1.900 km) về phía Bắc tại Billings, Montana, nhiệt độ cao nhất được dự báo là 107 độ F.

Nhiệt độ cao cùng với gió và điều kiện khô hạn dai dẳng đã làm gia tăng nguy cơ cháy rừng trong vài ngày qua.

Theo Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California, cho đến nay có khoảng 20 đám cháy bùng phát trên khắp tiểu bang, thiêu rụi hơn 100.000 mẫu Anh (40.470 ha). Ba trong số các đám cháy đã được dập tắt 98% tính đến sáng thứ Ba.

Tại Riverside, California, cách Los Angeles khoảng 55 dặm (88 km) về phía đông, một đám cháy bùng phát vào Chủ Nhật đã phá hủy hoặc làm hư hại hơn một chục ngôi nhà trong hai ngày qua. Đám cháy Hawarden bùng phát do pháo hoa, buộc khoảng 100 người phải sơ tán. Dù đã được khống chế 20% tính đến thứ Ba nhưng đám cháy đã làm hai cư dân bị thương và thiêu rụi hơn 500 mẫu Anh, các quan chức cho biết.

Theo Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia, các đám cháy ở California nằm trong số 69 đám cháy lớn đang diễn ra ở miền Tây, bao gồm 24 đám cháy ở Oregon và 9 đám cháy ở Arizona. Trung tâm kêu gọi người dân trong khu vực luôn cảnh giác và chuẩn bị sơ tán bất cứ lúc nào.

Hôm 22/7, Chính quyền Biden cho biết, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) sẽ bắt đầu chia sẻ dữ liệu vệ tinh với các bộ nội vụ và nông nghiệp nhằm phát hiện và báo cáo nhanh chóng các vụ cháy rừng.

"Với nhiều thông tin thời gian thực hơn, chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro cho các đội cứu hộ... và cải thiện thời gian phản ứng, qua đó giảm thiểu rủi ro cho các cộng đồng bị ảnh hưởng", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Tom Vilsack cho biết trong một tuyên bố.

Tỉnh Alberta của Canada cũng phải đối mặt với hàng chục vụ cháy rừng trong những ngày gần đây, khiến hàng nghìn người phải sơ tán, bao gồm cả cuộc sơ tán khỏi Công viên quốc gia Jasper vào đêm muộn thứ Hai.

Khói từ các đám cháy ở Canada đã bắt đầu làm giảm chất lượng không khí ở một số khu vực phía tây Hoa Kỳ. "Khói cháy rừng từ Canada và Tây Bắc Hoa Kỳ đã khiến chất lượng không khí kém ở nhiều khu vực của chúng tôi", Cơ quan Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ tại Cheyenne, Wyoming viết trên X.

Tính đến chiều thứ Ba, Nampa và Boise, Idaho, và Burns, Oregon, có chất lượng không khí tệ nhất tại Hoa Kỳ, với "điều kiện rất không lành mạnh" ở cả ba địa điểm, theo IQAir, đơn vị theo dõi tình trạng chất lượng không khí toàn cầu./.