Lời khẳng định gây tiếng vang
Hôm 27/5, Bkav GPT – Thành viên của Tập đoàn công nghệ Bkav phát đi thông cáo vừa phát triển thành công Trợ lý số thông minh, sử dụng Trí tuệ Nhân tạo tạo sinh (Generative AI).
BKAV GPT khẳng định người dùng có thể hỏi Trợ lý số mọi vấn đề. Trợ lý số sẽ ngay lập tức đưa ra đáp án một cách nhanh chóng, chính xác nhất, thậm chí còn nhanh chóng và chính xác hơn khi hỏi trợ lý lâu năm.
BKAV hiện vẫn chưa công bố thêm chi tiết về trợ lý ảo của mình, nhưng dựa vào tên gọi, nhiều khả năng Bkav GPT được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model) GPT, được phát triển bởi OpenAI.
Hiện nay, các cơ quan, tổ chức Chính phủ, các Tập đoàn, Tổng Công ty và doanh nghiệp lớn thường có rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính như: quy định, nghị định, thông tư… đôi khi lên tới vài chục nghìn tài liệu mà họ phải tuân thủ trong các hoạt động hàng ngày.
Đối với nền tảng AI tạo sinh GPT (Generative Pre-training Transformer) điều quan trọng là đào tạo, nạp trước. Nền tảng kiến thức được nạp trước là cực kỳ quan trọng, dữ liệu big data từ các gã khổng lồ công nghệ qua hàng chục năm tích lũy đáp ứng được cho việc tra khảo, là dữ kiện quan trọng cho việc tạo sinh của chatbot.
BKAV thông cáo rằng họ nhắm mục tiêu vào các tổ chức chính phủ, đồng nghĩa với việc dữ liệu nạp trước của họ phải liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Điểm hoài nghi, cũng như lo ngại chính nằm ở đây.
Hoài nghi theo góc nhìn pháp luật
Hiện tại chưa có thông tin nào về việc các cơ quan chức năng quản lý nhà nước nào cung cấp cho BKAV các loại dữ liệu có liên quan đến công tác quản lý này. Việc cung cấp các thông tin cụ thể, chi tiết các dữ liệu này trước hết cần có sự cho phép của luật pháp.
Để có đủ cơ sở cho cơ quan quản lý chính phủ tham vấn AI cần phải có sự cho phép của pháp luật. |
Còn đơn giản là đối chiếu với hệ thống pháp điển đã công bố chỉ để hỏi việc đó có nên làm không, bị điều chỉnh bởi văn bản nào hay trình tự thủ tục ra sao thì nghe có vẻ không có gì là ...Interligent cho lắm.
Theo như nội dung thông cáo thì rất có thể hệ thống pháp điển là cơ sở dữ liệu chắc chắn BKAV sẽ trang bị cho chatbot mới ... đặt tên của họ.
Nhưng nếu chỉ riêng ở đây, với hệ thống pháp điển, định kỳ và không ngừng nghỉ các cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành và trên hết là Quốc hội nước ta cũng đang rất tích cực để giải quyết việc chồng chéo. Nghĩa là trong một lĩnh vực, một hoạt động cụ thể có thể được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật khác nhau nhưng lại có những xung đột.
Liệu rằng một trợ lý “hơn cả trợ lý lâu năm” như BKAV tuyên bố có đưa ra được một lời tư vấn chính xác cho một nhà quản lý mà không có đầy đủ dữ liệu về lĩnh vực đó?
Lấy một ví dụ, để ban hành một chính sách về y tế cộng đồng, cần rất nhiều dữ liệu như nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, dân số, dân trí, tỷ lệ bác sĩ, độ tuổi v.v.. Thật sự chỉ có cơ sở dữ liệu Quốc gia mới có thể đáp ứng những tham số trên.
Nhà cầm quyền không thể tham vấn một trợ lý thiếu các dữ liệu hoặc dữ liệu chưa được cập nhật mới nhất. Thậm chí còn nguy hiểm hơn khi trợ lý này được nạp dữ liệu từ các nguồn không chính thống. Thật khó để tưởng tượng được nếu lãnh đạo chính quyền tham vấn từ một trợ lý như vậy để ra các quyết định liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh. Nhìn từ góc độ luật pháp, điều này thậm chí còn …vi hiến.
BKAV cho rằng người dùng (ở đây là cơ quan, tổ chức chính phủ, doanh nghiệp) có thể hỏi chatbot “mọi vấn đề” thì có vẻ ổn đấy, nhưng câu trả lời thật sự mới là thứ đáng quan tâm.
Một khi BKAV khẳng định rằng câu trả lời ấy “chính xác nhất” thì trước hết điều này phải được pháp luật thừa nhận, ít ra phải được cho phép đối với cơ quan, tổ chức chính phủ. Điều này rõ ràng là vấn đề luật pháp, ở một cấp độ khác hoàn toàn với những lời suông mà thông cáo của BKAV nói đến.
Thay cho lời kết
Hơn tất cả, ngoài thông cáo đã nêu, mọi thứ còn lại đều …vô minh. Đến cả giao diện của “trợ lý” này cũng chưa từng được nhìn thấy và đương nhiên, giới công nghệ chẳng có gì để làm cơ sở cho bất cứ một nhận định tích cực nào. Cùng lắm, chỉ có nội bộ BKAV, những nhân sự trực tiếp tham gia dự án BKAV GPT mới là những người rõ nhất.
Dù là công ty nào, việc tự đánh giá cao sản phẩm của mình thì không hẳn đã là sai trái. Nhất là khi sản phẩm còn chưa được thấy thì chẳng có gì để mà... chê. BKAV cũng không là ngoại lệ, một chatbot AI do công ty Việt Nam phát triển có thể hiểu rõ hơn các ngữ cảnh và ngôn ngữ tiếng Việt.
Cộng đồng cũng kỳ vọng cao trong việc chatbot này giúp đưa ra các câu trả lời chuẩn xác hơn cho người dùng trong nước, đặc biệt những thông tin liên quan đến pháp luật hoặc những vấn đề đặc trưng văn hóa v.v..
Với một công ty luôn có thói quen tự đánh giá cao sản phẩm của mình và thực tế lại thường xuyên cho thấy điều ngược lại thì rõ ràng cộng đồng công nghệ phải chờ. Muốn biết được chỉ có cách trải nghiệm thực tế sản phẩm, đáng tiếc là đến nay BKAV vẫn chưa có để mọi người làm điều đó mặc dù khẳng định là đã phát triển thành công.
Trên thực tế, một số quốc gia cũng đã bắt đầu thử nghiệm sử dụng AI trong các lĩnh vực như tư pháp, y tế và quản lý hành chính. Tuy nhiên, các quốc gia đều yêu cầu có sự kiểm soát chặt chẽ và AI chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Việc các cơ quan tổ chức chính phủ tham vấn AI để ra quyết định cần phải tuân thủ các quy định pháp lý và đạo đức nghiêm ngặt để đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quyền con người.