Chủ tịch UBND TP trao quyết định bổ nhiệm giám đốc Trung tâm DSAC (ảnh HQ) |
Đây là trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo đầu tiên của cả nước tại Đà Nẵng. Ông Lê Hoàng Phúc được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm DSAC.
Trung tâm DSAC có bộ máy tinh gọn gồm: Ban Giám đốc và 2 phòng chuyên môn với 3 chức năng chính là Đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; Hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; Liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Trong giai đoạn 2024-2025, DSAC tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho DSAC; Đề xuất dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng; Triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; Hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ tháng 9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức nâng cấp quan hệ song phương thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Trong Tuyên bố chung đã nêu rõ: “Hoa kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai Nhà Lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhầm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn…”.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh và Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng tặng hoa cho đại diện các trường đại học đào tạo nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn trên địa bàn miền Trung. |
Đây là cơ hội mà Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng cần nắm bắt và triển khai một cách cụ thể trong tình hình mới. Do đó, việc khẩn trương hình thành hệ thống các chính sách đi cùng và bộ máy chuyên trách để tận dụng được các cơ hội lớn trong phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo mở ra trong bối cảnh hiện nay được lãnh đạo thành phố xác định như là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài đối với thành phố, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP, việc thành lập DSAC là một trong những hoạt động cụ thể hóa quyết tâm chính trị của thành phố trong thực thi nhiệm vụ cấp bách, chiến lược nêu trên. Trung tâm DSAC được xác định là đầu mối chuyên trách tham mưu Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng và triển khai Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Đồng thời, thành phố kỳ vọng Trung tâm DSAC sẽ trở thành một đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ diễn đàn Gặp gỡ Đà Nẵng 2024 tổ chức cùng ngày, Đà Nẵng công bố thành lập DSAC kết hợp với tọa đàm về xây dựng chính sách đồng hành để đón làn sóng đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ hội để DSAC đươc nhiều đối tác biết đến và tăng cường hợp tác, hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của thành phố đối với ngành Thông tin và Truyền thông. Cụ thể, DSAC sẽ thực hiện việc ký kết và trao MOU với Tập đoàn Synopsys về hợp tác trong đào tạo thiết kế vi mạch và với Tập đoàn Intel trong hợp tác đào tạo Trí tuệ nhân tạo cho nguồn nhân lực tương lai.
Theo ông Lê Trung Chinh, việc triển khai ký kết hợp tác với 2 tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ cũng như thế giới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Trung tâm DSAC có thể được xem là một kết quả bước đầu, tạo tiền đề để Trung tâm thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được giao.
Ngay sau khi thành lập, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo DSAC chủ động, phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Intell triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo giảng viên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trong năm 2024, làm tiền đề để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của các tập đoàn quốc tế về thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cần xác định rõ bài toán cung cầu, xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể với các trường Đại học trong liên minh đào tạo về thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo nhằm đề xuất, triển khai các giải pháp hiệu quả, chất lượng. Từ năm 2025 trở đi, DSAC cần xây dựng lộ trình hợp tác với các đối tác lớn để triển khai bồi dưỡng các lớp chuyên sâu công nghệ lõi để từng bước hình thành nên các doanh nghiệp start-ups, spin-off trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng.
Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu DSAC phát huy vai trò hỗ trợ tích cực cho công tác xúc tiến đầu tư thành phố, thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư, từng bước tạo dựng hệ sinh thái đồng bộ và phát triển về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố.