Xoáy cực ngược ở Bắc Cực có thể gây ra kiểu thời tiết cực đoan?

Khí quyển nóng lên đột ngột đã khiến xoáy cực ở Bắc Cực đảo ngược quỹ đạo. Nó quay sai hướng, gây ra hiện tượng "tăng đột biến tầng ozone" và có thể gây ra các kiểu thời tiết toàn cầu.
Khí quyển nóng lên đột ngột đã khiến xoáy cực ở Bắc Cực đảo ngược quỹ đạo (ảnh NASA/Trung tâm bay không gian Goddard)

Khí quyển nóng lên đột ngột đã khiến xoáy cực ở Bắc Cực đảo ngược quỹ đạo (ảnh NASA/Trung tâm bay không gian Goddard)

Theo Live Science, vào đầu tháng 3, xoáy cực – một khối không khí lạnh quay vòng quanh Bắc Cực - đang xoáy sai hướng sau khi tầng khí quyển phía trên Bắc Cực nóng lên bất ngờ, gây ra một sự kiện đảo ngược lớn. Đây là một trong những lần quay đầu khí quyển khắc nghiệt nhất được thấy trong ký ức gần đây.

Trong quá khứ, sự gián đoạn của xoáy cực đã gây ra thời tiết cực lạnh và bão trên khắp phần lớn nước Mỹ.

Sự thay đổi hướng hiện nay xoáy cực có thể sẽ không dẫn tới một hiện tượng "đóng băng lớn" tương tự. Nhưng sự thay đổi đột ngột này đã gây ra hiện tượng "ozone tăng vọt" kỷ lục ở Bắc Cực.

Xoáy cực nổi bật nhất trong những tháng mùa đông và kéo dài vào tầng bình lưu – lớp khí quyển thứ hai ở độ cao khoảng 30 dặm (50 km) so với bề mặt. Theo Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh, xoáy nước quay ngược chiều kim đồng hồ với tốc độ gió khoảng 155 dặm/giờ (250 km/giờ), tương đương tốc độ của bão cấp 5. Một cơn lốc tương tự cũng bao quanh Nam Cực trong mùa đông phía nam.

Theo các nhà nghiên cứu, các xoáy cực thỉnh thoảng đảo ngược tạm thời. Những sự kiện này có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng và gây ra bởi sự nóng lên đột ngột của tầng bình lưu (SSW), khi nhiệt độ ở tầng bình lưu tăng tới 90 độ F (50 độ C) trong khoảng vài ngày.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự nóng lên đột ngột là do "sóng hành tinh" trong khí quyển - sóng nén hình thành khi không khí bốc lên thành một vùng có mật độ khác và bị lực quay của Trái đất đẩy lùi xuống dưới. Quá trình này làm gián đoạn hoặc đảo ngược dòng xoáy.

Spaceweather.com đưa tin, sự kiện đảo chiều ở Bắc Cực bắt đầu vào ngày 4/3. Tuy nhiên, gió đang bắt đầu chậm lại, cho thấy dòng xoáy sẽ sớm quay trở lại quỹ đạo bình thường,.

Amy Butler - nhà khoa học khí hậu tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) và là tác giả của blog xoáy cực mới của NOAA, nói với Spaceweather.com: “Đó là một sự đảo ngược đáng kể”. Tốc độ của những cơn gió ngược đã đưa hiện tượng này vào top 6 kỷ lục.

Sự gián đoạn của xoáy cực có thể ảnh hưởng đến thời tiết ở Mỹ. Chẳng hạn như vào năm 2019, một trận lạnh khổng lồ tràn xuống khắp Trung Tây. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này xảy ra khi xoáy cực làm biến dạng dòng phản lực – một dòng không khí bao quanh xoáy cực – khiến các vĩ độ thấp hơn phải hứng chịu những khối không khí băng giá lớn ở Bắc Cực.

Theo Spaceweather.com, sự gián đoạn trong tháng này không làm thay đổi hình dạng của dòng tia. Vì vậy các kiểu thời tiết được cho là hầu như không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệt độ không khí xung quanh Bắc Cực đã hút một lượng lớn ozone từ những vĩ độ thấp hơn, tạo ra sự tăng vọt ozone tạm thời - ngược lại với lỗ thủng ozone. Theo Spaceweather.com, hiện tại, lượng ozone bao quanh Bắc Cực nhiều hơn vào thời điểm này trong bất kỳ năm nào được ghi nhận. Tuy nhiên, lượng ozone tăng vọt này sẽ biến mất sau khi xoáy cực trở lại bình thường.

Butler viết trên blog xoáy cực của NOAA rằng, đợt đảo chiều hiện tại là lần thứ hai xảy ra trong năm nay, sau một sự kiện nhỏ hơn vào tháng 1 từng gây ra một đợt rét đậm ngắn ở một số bang.

Theo Butler, các ghi chép cho thấy, các sự kiện SSW có nhiều khả năng xảy ra trong El Nino hoặc La Nina, hai giai đoạn tương phản của một chu kỳ tự nhiên về sự nóng lên và làm mát trên toàn hành tinh. Trong các giai đoạn này, hệ thống thời tiết toàn cầu trở nên bất ổn hơn, tạo tiền đề cho các hiện tượng đảo chiều thường xuyên hơn.

Chúng ta hiện đang ở giữa một đợt El Nino lớn. Điều này nhiều khả năng xảy ra sự đảo chiều hoặc gián đoạn trong khoảng năm tới – Butler nói.