Chị Benton, 39 tuổi, nói: “Điều đó thực sự đáng báo động. Con bé khá cao lớn nhưng vẫn chỉ là một đứa trẻ”. Cô bé 5 tuổi vẫn thích chơi búp bê, đi ăn kem và xem phim hoạt hình “Bubble Guppies” trên kênh Nick Jr. yêu thích.
“Làm thế nào mà cơ thể của bé lại già hơn tuổi thật?” Benton đã lo lắng hỏi. Theo gợi ý của giáo viên, Benton đưa con đến gặp bác sĩ địa phương ở Ashtabula, Ohio.
Vào thời điểm đó, Benton chưa bao giờ nghe nói đến dậy thì sớm. Lớn lên trong cộng đồng người da đen, nơi tỷ lệ dậy thì sớm thuộc hàng cao nhất ở Mỹ, Benton đã biết những bé gái 7 và 8 tuổi từng có kinh hoặc cần đến áo ngực. Nhưng không ai trong gia đình Benton nhận ra rằng có một chẩn đoán y khoa thực sự hoặc các phương pháp điều trị bằng hormone theo đơn gọi là thuốc ngăn chặn tuổi dậy thì có thể giúp làm chậm những thay đổi về thể chất nếu cần.
![]() |
Con gái của chị Jennifer Benton mới 5 tuổi, học lớp mầm non. Chị rất bất ngờ khi giáo viên mẫu giáo của bé chỉ ra điều bất thường: ngực cô bé đang phát triển. |
Benton nói: “Các bé gái thường bị gọi là ‘nhanh’ hoặc ‘quá trưởng thành so với lứa tuổi của mình’. Bây giờ tôi hiểu các bé gái đó đang phải vật lộn với tình trạng dậy thì sớm.”
Với việc dậy thì bắt đầu ở độ tuổi nhỏ hơn, đặc biệt là ở những cô bé da đen, các bác sĩ cho biết nhu cầu cấp thiết về nhận thức và giáo dục cao hơn ở những gia đình có thể gặp trở ngại trong việc tiếp cận chẩn đoán và chăm sóc y tế.
Trong một bài báo năm 2022 trên tạp chí Nhi khoa, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những thành kiến trong việc chăm sóc tuổi dậy thì sớm có tác động to lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em Da đen.
Các bác sĩ Nhi khoa từ Trường Y Warren Alpert thuộc Đại học Brown viết: “Mặc dù y học dựa trên chủng tộc là rất sai lầm và có hại, nhưng việc loại bỏ nó khỏi thực hành hàng ngày vẫn là một thách thức”.
Tuổi nào là quá nhỏ cho dậy thì?
Theo một phân tích dữ liệu toàn cầu năm 2020, độ tuổi trung bình bắt đầu dậy thì từ 8 đến 13 tuổi đối với các bé gái ở Hoa Kỳ - đã giảm khoảng ba tháng mỗi thập kỷ trong 40 năm qua.
Điều đáng lo ngại hơn là ngày càng nhiều trẻ em có dấu hiệu dậy thì - ngực phát triển, mụn trứng cá, lông mu hoặc giọng nói trầm hơn - thậm chí trẻ hơn mức trung bình. Bắt đầu dậy thì sớm hơn 8 tuổi đối với bé gái hoặc sớm hơn 9 tuổi đối với bé trai - một tình trạng gọi là dậy thì sớm - có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, dậy thì sớm vẫn còn hiếm, ít hơn 1% dân số Hoa Kỳ mắc phải. Không rõ tại sao nó lại xảy ra nhiều hơn, mặc dù các nguyên nhân có thể bao gồm chế độ ăn uống, béo phì, di truyền, tình trạng kinh tế xã hội và việc tiếp xúc với một số hóa chất.
Trẻ em bước vào tuổi dậy thì sớm hơn mức trung bình có thể bị xã hội coi là lớn tuổi hơn và bị tình dục hóa một cách không phù hợp. Các nghiên cứu cho thấy dậy thì sớm có thể liên quan đến trầm cảm và rối loạn lo âu. Nó cũng có thể làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn ăn uống. Đáng ngạc nhiên là nó cũng có thể khiến trẻ không thể phát triển hết chiều cao vì các tế bào sụn tăng trưởng thường đóng lại vào cuối tuổi dậy thì.
Tiến sĩ Aviva Sopher, phó giáo sư nhi khoa tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia, cho biết: “Đôi khi trẻ bước vào tuổi dậy thì sớm, tuổi xương của chúng phát triển rất nhanh”.
Bằng chứng cho thấy chủng tộc và sắc tộc có mối liên hệ rõ ràng với tình trạng dậy thì sớm. Năm 1997, một phân tích được công bố trên tạp chí Nhi khoa cho thấy 14,3% bé gái da đen bắt đầu phát triển ngực hoặc lông mu khi mới 6 tuổi, so với chỉ 3,7% ở bé gái da trắng 6 tuổi. Gần đây hơn, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe vị thành niên vào đầu năm ngoái cho thấy các bé gái da đen có nguy cơ bắt đầu dậy thì sớm cao hơn gấp đôi so với các bé gái da trắng. Các bé gái gốc Tây Ban Nha có nguy cơ có dấu hiệu dậy thì sớm cao gấp 1,16 lần so với các bé gái da trắng.
Thật khó để biết có bao nhiêu trẻ em da đen và gốc Tây Ban Nha trải qua tuổi dậy thì sớm mà không có sự hướng dẫn hoặc điều trị y tế so với trẻ em da trắng. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Karen Klein, bác sĩ nội tiết nhi khoa tại Bệnh viện Rady ở San Diego, cho biết việc chăm sóc y tế cho trẻ dậy thì sớm vẫn chưa đồng đều. Cô nói: “Chắc chắn có những vấn đề về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế”.
Dậy thì sớm ngày càng gia tăng, rất cần được cảnh báo
Vào giữa thế kỷ 19, các cô gái có kỳ kinh nguyệt đầu tiên ở độ tuổi trung bình là 16,5. Ngày nay, tuổi dậy thì bắt đầu ở độ tuổi trung bình từ 8 đến 13, và các bé gái thường có kinh lần đầu ở tuổi 12,4.
Các nhà nghiên cứu Ý gần đây đã báo cáo sự gia tăng mạnh về tỷ lệ dậy thì sớm tiến triển nhanh chóng ở các bé gái trong thời gian cách li vì đại dịch. Xu hướng tương tự cũng được báo cáo ở Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số vùng của Trung Quốc. Một nghiên cứu nhỏ hơn từ Thành phố New York, được công bố trên Tạp chí Nội tiết và Chuyển hóa Nhi khoa, cho thấy căng thẳng do Covid, không hoạt động và tăng cân có thể đóng vai trong sự tăng cao này.
Tiến sĩ Roopa Kanakatti Shankar, bác sĩ nội tiết nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Washington, D.C., cho biết: “Thật khó để chứng minh đây là nguyên nhân, nhưng rõ ràng là có một sự gia tăng”.
Các bé trai, thường bắt đầu dậy thì từ 9 đến 14 tuổi, cũng bắt đầu dậy thì sớm hơn trước đây, nhưng ít phổ biến hơn so với bé gái. Khi một cậu bé bắt đầu dậy thì sớm hơn nhiều so với mức bình thường, nguyên nhân thường bắt nguồn từ một nguyên nhân nghiêm trọng như khối u não trên tuyến sản xuất hormone.
“Đối với các bé gái, dậy thì sớm thường không có nguyên nhân rõ ràng”, Sopher, bác sĩ nhi khoa của Đại học Columbia, cho biết.
Các bác sĩ nhấn mạnh rằng không phải tất cả trẻ em đều cần trợ giúp y tế, mặc dù các em và cha mẹ có thể được hưởng lợi từ nhận thức và hướng dẫn về những gì đang xảy ra với cơ thể mình. Việc xác định liệu trình điều trị tốt nhất cho từng trẻ có thể phụ thuộc vào việc các bác sĩ nhi khoa xem xét nghiêm túc những thay đổi về thể chất cũng như tiếp cận các bác sĩ chuyên khoa và các xét nghiệm phức tạp, tốn kém.
Dấu hiệu bị bác bỏ là 'baby fat' (mỡ khi còn trẻ con)
Khi Benton lần đầu tiên đưa cô con gái 5 tuổi Olivia đến bác sĩ nhi khoa, bác sĩ đã bác bỏ những thay đổi trên cơ thể cô bé và gọi đó là "baby fat". Ngay cả khi Benton đề cập đến việc con gái cũng khóc nhiều hơn bình thường, bác sĩ vẫn khẳng định cô không có gì phải lo lắng.
Sau đó, khi một chuyên gia chẩn đoán con gái bị dậy thì sớm, Benton cho biết cô đã viết thư cho hội đồng y tế của Ohio để phàn nàn về việc chẩn đoán bị bỏ sót. Sau đó, cô phát hiện ra rằng không hề có đề cập nào đến "dậy thì sớm" trong hồ sơ y tế hoặc ghi chú thăm khám của con gái cô, ngay cả sau khi Benton đã hỏi về điều đó nhiều lần.
Một số bác sĩ trước đây cho rằng độ tuổi chẩn đoán dậy thì sớm đối với bé gái da đen nên sớm hơn bé gái da trắng. Shankar phản bác rằng các quyết định điều trị và chẩn đoán dậy thì sớm không nên được xác định dựa trên chủng tộc, hoặc thậm chí chỉ dựa vào độ tuổi mà dựa trên các xét nghiệm nội tiết tố, thể chất và tâm lý cẩn thận.
Shankar nói: “Chỉ vì họ thuộc một chủng tộc và sắc tộc nhất định, không có nghĩa là họ vẫn không xứng đáng được đánh giá đầy đủ, cá nhân hoá về việc liệu họ có được hưởng lợi từ việc điều trị hay không”.
Tuy nhiên, các bác sĩ nên lưu ý không nên “chữa bệnh quá mức”, cô nói. Ngoài các xét nghiệm và siêu âm, bác sĩ nhi khoa nên dành thời gian tìm hiểu tính cách và hoàn cảnh của từng đứa trẻ để cân nhắc xem ai có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ sự trấn an về những thay đổi trong cơ thể thay vì kê đơn thuốc ức chế dậy thì, nó có thể hạn chế sản xuất hormone sinh dục trong não.
Mặc dù thuốc tiêm được chứng minh là an toàn cho trẻ dậy thì sớm nhưng chúng có thể gây ra các tác dụng phụ hiếm gặp như nguy cơ phản ứng tại chỗ tiêm hoặc làm xương yếu đi nếu dùng cho những trẻ không thực sự cần chúng.
Khi nào cần dùng thuốc ức chế tuổi dậy thì?
Các chuyên gia nhi khoa cho biết đã có nỗ lực đáng kể để quyết định xem liệu trẻ em dưới 8 tuổi đang có các triệu chứng có thể được hưởng lợi từ phương pháp điều trị bằng hormone tiêm hay không.
Ví dụ: nếu một bé gái bắt đầu phát triển ngực khi mới 5 hoặc 6 tuổi, nhưng sau đó tốc độ phát triển đó chậm lại, cô ấy có thể không bắt đầu nhận thấy những thay đổi khác liên quan đến tuổi dậy thì cho đến khi gần đến độ tuổi điển hình từ 8 đến 12 và vẫn có kinh lần đầu ở độ tuổi “bình thường”.
Đối với những trường hợp này, dậy thì sớm có thể ít đáng lo ngại hơn và có thể không cần dùng thuốc ức chế dậy thì sớm. Sopher nói: “Nó phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ tiến triển nhanh như thế nào, chiều cao có thể bị ảnh hưởng như thế nào, sự trưởng thành của trẻ và cảm nhận của gia đình về mọi thứ”.
Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Tạp chí Phụ khoa Nhi khoa và Vị thành niên ước tính rằng 44% bé gái bắt đầu phát triển ngực trong độ tuổi từ 7 đến 8 sẽ bị dậy thì sớm tiến triển nhanh chóng; khoảng 15% cần điều trị.
Shankar cho biết: “Những đứa trẻ dưới 7 tuổi có nhiều khả năng cần được điều trị hơn trong phần lớn các trường hợp”.
Olivia đã được chụp X-quang để xác định xem xương của cô bé có phát triển nhanh hơn bình thường hay không, siêu âm để đánh giá buồng trứng và một loạt xét nghiệm máu để đánh giá mức độ hormone của cô. Kết quả của cô bé đều trên mức bình thường so với độ tuổi của bé.
Cô bé ấy đã trải qua một cuộc kiểm tra kéo dài bốn giờ, trong đó bé được lấy máu, được tiêm hormone để kích thích tuyến yên và sau đó được lấy máu bổ sung để đo mức độ phản ứng của hormone trong cơ thể.
Vào thời điểm này, đó là năm 2020, và bác sĩ nội tiết nhi khoa của bé cho biết cô bé, lúc đó 6 tuổi, đang trên đà có kinh vào năm 7 tuổi, do tuổi dậy thì của cô đang tiến triển nhanh như thế nào.
Benton đã chọn cho con sử dụng thuốc ức chế tuổi dậy thì có tên là Lupron (leuprolide). Cô bé lần đầu tiên được tiêm mỗi tháng một lần, sau đó cứ ba tháng một lần trong ba năm cho đến khi bé lên 9 tuổi.
Chờ đợi lâu, chi phí chăm sóc cao
Rào cản lớn đối với một số gia đình là số lượng nhỏ bác sĩ nội tiết nhi khoa có thể chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm. Nhiều trẻ em và gia đình phải chờ đợi lâu để có được một cuộc hẹn và phải di chuyển một quãng đường dài.
Shankar nói: “Trong nhiều trường hợp, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc cho trẻ dậy thì sớm có chung vấn đề đối với việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung”. “Nhiều đứa trẻ trong số này có thể không được chăm sóc kịp thời.”
Trong trường hợp của Benton, cô phải lái xe một giờ đến địa điểm xét nghiệm ở Cleveland và sau ba tháng chờ đợi một cuộc hẹn, cô phải mất 45 phút cho mỗi lần khám với bác sĩ nội tiết nhi khoa.
Các chuyên gia cho biết, các nhà cung cấp bảo hiểm thường trả tiền thuốc khi có chẩn đoán rõ ràng. Nếu không có bảo hiểm, các loại hormone theo toa - chất chủ vận GnRH làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone giới tính của tuyến yên - có thể tốn hàng ngàn đô la mỗi tháng.
Theo dữ liệu điều tra dân số gần đây nhất của Hoa Kỳ, tỷ lệ trẻ em không có bảo hiểm ở cả người da đen và người gốc Tây Ban Nha cao gấp đôi so với trẻ em da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
Shankar nói: “Đối với một số gia đình, chi phí có thể là một vấn đề lớn, đặc biệt là khi các khoản thanh toán cao”. Hầu hết các công ty bán thuốc “chặn tuổi dậy thì sớm” đều cung cấp các chương trình hỗ trợ đồng thanh toán để giúp các gia đình đủ tiền mua thuốc, nhưng việc đăng ký các chương trình này có thể là một quá trình phức tạp.
Benton cho biết, sau khi con gái cô hoàn thành các bài kiểm tra bắt buộc, bảo hiểm sẽ chi trả cho những mũi tiêm Lupron của bé.
Sức mạnh của việc được chẩn đoán
Bé gái Sydney, con của cô Patra Rhodes-Wilson cũng bắt đầu phát triển mô vú ở tuổi lên 5. Giống như Benton, Rhodes-Wilson cũng là người da đen, cho biết cô chưa bao giờ nghe nói về dậy thì sớm.
Sydney được chẩn đoán mắc bệnh này vào năm 7 tuổi, nhưng lượng hormone của bé đã ổn định một cách tự nhiên khi cô gần 9 tuổi.
Rhodes-Wilson, sống ở Champaign, Illinois, cho biết con gái cô được hưởng lợi rất nhiều từ việc chẩn đoán dậy thì sớm.
Theo hướng dẫn của bác sĩ Sydney, Rhodes-Wilson bắt đầu chú ý hơn đến các loại thực phẩm cô có ở nhà và giúp con tăng vận động. Rhodes-Wilson tin rằng những thay đổi trong lối sống đã giúp giữ cho lượng hormone ở Sydney không tiếp tục tăng mạnh.
Về phần con gái mình, Benton tin rằng thuốc ức chế tuổi dậy thì đã giữ lại tuổi thơ cho con gái. Benton nói: “Con bé là một cô gái thông minh nhưng vẫn đang học hỏi và phát triển. Tôi không muốn bất cứ ai nghĩ rằng con nên già dặn hơn con vốn dĩ.”
Nhiều bác sĩ chia sẻ lo ngại rằng những cô gái còn rất trẻ có thể bị coi là già hơn vì ngoại hình thay đổi. Rhodes-Wilson nói về con gái mình: “Bây giờ tôi thậm chí còn bao bọc con nhiều hơn”.
Theo kinh nghiệm của con gái họ, cả Benton và Rhodes-Wilson đều nói rằng họ đã nghe bạn bè, gia đình và những người lạ trên mạng xã hội – hầu hết trong số họ là người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha – tin rằng họ cũng đã trải qua tuổi dậy thì sớm hoặc có con ở giữa thời kỳ dậy thì sớm. Hầu hết đều chưa bao giờ nghe nói về tình trạng này hoặc các lựa chọn điều trị.
Rhodes-Wilson nói: “Người Mỹ gốc Phi không cảm thấy chúng tôi có bất kỳ nguồn tài nguyên nào khác, vì vậy chúng tôi phải im lặng chịu đựng. Bây giờ tôi đang nói với mọi người rằng: Nếu có điều gì đó không ổn xảy ra với con bạn và các bác sĩ của bạn không coi trọng vấn đề đó, hãy tìm một bác sĩ mới. Hãy tiếp tục cố gắng để nhận được sự giúp đỡ mà bạn cần co con của bạn”./.
Lâm Anh
(dịch từ NBC News, tác giả: Caroline Hopkins)