Một loại protein do bào thai tiết ra đã gây ra chứng ốm nghén, thậm chí nghén nghiêm trọng cho “bà bầu”. Khám phá y học mới này có thể dẫn đến việc điều trị tình trạng này tốt hơn.
Theo thống kê của Dịch vụ Y tế Quốc gia Chính phủ Anh (NHS), ốm nghén là một tác dụng phụ phổ biến khi mang thai với 8/10 phụ nữ bị buồn nôn hoặc nôn mửa.
Tuy nhiên, chứng nôn nghén nặng (HG) là tình trạng các triệu chứng ốm nghén diễn ra nghiêm trọng đến mức bệnh nhân có thể phải nhập viện.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế do Đại học Cambridge dẫn đầu đã phát hiện ra rằng những triệu chứng này có thể liên quan đến một loại hormone do thai nhi “sản xuất” – một loại protein có tên là GDF15.
Loại protein này có thể là chìa khóa để hiểu được tại sao các triệu chứng có thể từ mức độ khó chịu đến nguy hiểm và có thể giúp tìm ra cách phòng ngừa nó.
Một loại protein được giải phóng vào trong máu của người mẹ
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng buồn nôn và nôn mửa do mang thai có liên quan đến lượng GDF15 do nhau thai sản xuất và giải phóng vào máu của người mẹ.
"Đứa bé lớn lên trong bụng mẹ đang sản xuất ra một loại hormone ở mức độ mà người mẹ không quen. Người mẹ càng nhạy cảm với loại hormone này thì sẽ càng ốm yếu. Biết được điều này sẽ cho chúng ta manh mối về cách chúng ta có thể ngăn chặn điều này xảy ra”, Sir Stephen O'Rahilly, một giáo sư và là người đứng đầu nhóm hợp tác cho biết.
Sự nhạy cảm của người phụ nữ đối với hormone này góp phần làm tăng cường độ các triệu chứng của bà bầu.
Nồng độ GDF15 trước khi mang thai ảnh hưởng đến độ nhạy cảm này, trong đó những phụ nữ có nồng độ GDF15 trước khi mang thai thấp sẽ có nguy cơ cao bị buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng khi mang thai.
O'Rahilly nói thêm: “Nó cũng khiến chúng tôi chắc chắn hơn rằng việc ngăn chặn GDF15 tiếp cận thụ thể mang tính cụ thể cao của nó trong não bộ người mẹ sẽ tạo cơ sở cho cách điều trị chứng rối loạn này hiệu quả và an toàn”.
Công trình có sự hợp tác giữa các nhà khoa học tại Đại học Cambridge, Đại học Nam California, Đại học Edinburgh, Đại học Glasgow và Đại học Kelaniya ở Colombo, Sri Lanka.
Nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả của họ trên tạp chí Nature.
![]() |
Hình ảnh minh họa |
'Một bước gần hơn để phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả'
Các nhà nghiên cứu tin rằng việc tăng cường khả năng chịu đựng hormone này của phụ nữ trước khi mang thai có thể là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh.
Nghiên cứu trên chuột cho thấy, những con chuột mà bị tiếp xúc với lượng GDF15 cao và đột ngột có dấu hiệu chán ăn, biểu hiện buồn nôn. Tuy nhiên, những con chuột được điều trị bằng phiên bản GDF15 giải phóng kéo dài và ổn định không biểu hiện triệu chứng tương tự khi tiếp xúc với nồng độ hormone cấp tính.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra trong nghiên cứu so sánh một biến thể di truyền hiếm gặp làm tăng đáng kể tính nhạy cảm của phụ nữ với chứng nôn nghén nặng HG. Biến thể này có liên quan đến việc giảm mức độ hormone trong cả máu và các mô không mang thai.
Tương tự như vậy, những phụ nữ mắc bệnh máu di truyền beta-thalassemia, đặc trưng bởi nồng độ GDF15 tăng cao tự nhiên trước khi mang thai, có xu hướng ít hoặc không xuất hiện triệu chứng buồn nôn hoặc nôn mửa.
NHS ước tính rằng từ 1 đến 3% phụ nữ mang thai mắc chứng HG, trong đó một trường hợp được công bố rộng rãi là Catherine, Công nương xứ Wales, người đã trải qua căn bệnh này trong cả ba lần mang thai.
Charlotte Howden chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ trải nghiệm trực tiếp về mức độ suy nhược của tình trạng này.
Cô cho rằng mình có sức khỏe tốt trước khi thụ thai ở tuổi ba mươi. Quá trình mang thai của cô diễn ra bình thường cho đến khoảng tuần thứ sáu thì cô bắt đầu cảm thấy buồn nôn.
Ban đầu, cô bác bỏ nó, cho rằng đó là cảm giác khó chịu điển hình của thời kỳ đầu mang thai.
Khoảng một tuần sau, tình trạng của Howden đã trầm trọng đi đáng kể. Cô bắt đầu nôn mửa tới 30 lần một ngày, khiến cô không thể nuốt được bất kỳ thức ăn nào.
Cô đã nói: “Mỗi lần tôi cố gắng ăn thứ gì đó, đó rõ ràng là điều tôi muốn làm, không chỉ vì tôi cảm thấy đói mà còn vì tôi đang mang thai. Thế nhưng điều đó sẽ khiến tôi phát ốm ngay lập tức”.
Tệ hơn nữa, cô ấy không thể giữ lại bất kỳ chất lỏng nào, thậm chí cả nước. Tình trạng của cô, sau này được xác định là HG, trở nên nghiêm trọng đến mức ngay cả việc nuốt nước bọt cũng gây ra nôn mửa, cần phải hội chẩn với bác sĩ đa khoa và phải đến bệnh viện nhiều lần.
Phải đến khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ, Charlotte mới tìm ra phương pháp điều trị thích hợp để giảm bớt bệnh. Cô ấy vẫn dùng thuốc theo quy định cho đến khoảng tuần 37 vì cô ấy "sợ hãi phải ngừng thuốc".
Hiện cô đang làm việc cho tổ chức từ thiện “Hỗ trợ Ốm đau khi Mang thai” của Vương quốc Anh.
Tiến sĩ Marlena Fejzo, một đồng tác giả của nghiên cứu mà nhóm của cô trước đây đã xác định được mối liên hệ giữa GDF15 và HG cho biết: "Khi tôi mang thai, tôi bị ốm đến mức gần như không thể di chuyển mà không thấy buồn nôn. Khi tôi cố gắng tìm hiểu lý do tại sao, tôi nhận ra rằng có rất ít thông tin về tình trạng của mình, mặc dù tình trạng buồn nôn khi mang thai rất phổ biến".
Cô nói thêm: "Hy vọng rằng bây giờ chúng ta đã hiểu được nguyên nhân gây ra chứng nôn nghén nặng, chúng ta đang tiến một bước gần hơn tới việc phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả để ngăn chặn những bà mẹ khác phải trải qua những gì tôi và nhiều phụ nữ khác đã trải qua".